Chặng đường 30 năm phát triển ngành Thủy sản

Qua 30 năm xây dựng và phát triển, tỉnh ta đạt được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực. Trong đó, khai thác và nuôi trồng thủy sản (TS) là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế biển, với tốc độ tăng trưởng hằng năm khá cao, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh ta có tiềm năng phát triển TS, là một trong những ngư trường trọng điểm ở khu vực Nam Trung Bộ, nhưng trước đây do nguồn lực hạn chế, số tàu thuyền công suất nhỏ chiếm tỷ lệ cao, các tiến bộ kỹ thuật chậm được áp dụng vào đánh bắt nên hiệu quả khai thác hải sản đạt thấp. Để đánh thức tiềm năng tài nguyên biển, sau ngày tái lập tỉnh (tháng 4-1992), Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương khảo sát, đánh giá lại tình hình hoạt động khai thác và nuôi trồng TS, qua đó đề ra chiến lược phát triển có tính đột phá cho từng giai đoạn. Các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh đều xác định khai thác hải sản là một trong 6 nhóm ngành kinh tế đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế biển, từ đó đề ra các các chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển. Trong đó, đáng kể là Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26-10-2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển đã mở ra một bước ngoặt đột phá cho khai thác và nuôi nuôi trồng TS phát triển bền vững.

Ngư dân Khánh Hải (Ninh Hải) đầu tư thuyền công suất lớn vươn khơi khai thác hải sản. Ảnh: Văn Nỷ

Nhìn lại chặng đường 30 năm phát triển, ngành TS đạt được kết quả toàn diện, đáng kể là tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư kết cầu hạ tầng nghề cá, vận dụng hiệu quả các chính sách của Trung ương hỗ trợ khai thác vùng khơi, sản xuất tôm giống chất lượng cao. Đối với đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu nghề cá kết quả đáng kể là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh bão được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, tỉnh đã tập trung đầu tư nâng cấp bến cá Mỹ Tân lên cảng cá loại II với tổng mức đầu tư 110,6 tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế biển. Đồng thời, đã đầu tư cơ bản cảng cá Cà Ná loại II, cảng cá Ninh Chữ loại II kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, cảng cá Đông Hải loại III kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cửa Sông Cái cấp tỉnh. Về dịch vụ hậu cần nghề cá, đến nay cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu phục vụ hoạt động của tàu cá trong và ngoài tỉnh. Toàn tỉnh có 6 cơ sở đóng tàu, sửa tàu cá, tăng 1 cơ sở; 87 cơ sở thu mua, chế biến thủy sản, tăng 12 cơ sở; 17 cơ sở sản xuất nước đá, tăng 13 cơ sở so với năm 2015.

Lĩnh vực khai thác hải sản, điểm sáng đáng kể là ngành chức năng, các địa phương đã triển khai có hiệu quả Đề án tổ chức lại nghề khai thác, thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về chính sách phát triển TS, hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu, đủ điều kiện khai thác biển xa. Qua đó, năng lực tàu cá thay đổi về số lượng và chất lượng, đặc biệt là sự tăng đáng kể của tàu công suất từ 400 CV trở lên. Đến nay, tổng số tàu cá toàn tỉnh 2.225 chiếc với tổng công suất 514.741 CV, tăng 238.423 CV và tăng 272 chiếc so với năm 2015. Thành lập 170 Tổ đoàn kết khai thác hải sản, với 1.018 tàu cá có công suất lớn tham gia với công nghệ khai thác hiện đại và thời gian chuyến biển kéo dài có sự hỗ trợ của 85 tàu hậu cần khai thác của tỉnh; thành lập 2 nghiệp đoàn đánh bắt cá tại huyện Thuận Nam. Qua thực hiện đề án đã có những chuyển biến tích cực trong việc tổ chức khai thác vùng khơi, ngành nghề khai thác có tính chọn lọc cao như nghề lưới vây, mành chụp, câu, ... từng bước giảm tàu cá ven bờ và thực hiện tái tạo nguồn lợi hằng năm theo đúng định hướng phát triển nghề cá có trách nhiệm.

Khu vực nuôi tôm giống của Công ty TNHH MOANA, xã Phước Dinh (Thuận Nam). Ảnh: H.P

Đối với sản xuất giống TS đã đạt được mục tiêu đề ra là phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên thuận lợi tập trung xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất của cả nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với quyết tâm đưa nghề sản xuất tôm giống vươn lên vị thế hàng đầu của cả nước, tỉnh ta đã thành công trong quy hoạch 2 vùng sản xuất giống thủy sản tập trung An Hải và Nhơn Hải quy mô 225 ha. Từ việc hoạch định chiến lược phát triển bền vững của tỉnh, đã thu hút được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty TNHH Việt - Úc... đầu tư vào các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung với quy mô lớn, nuôi tôm công nghệ cao, góp phần để ngành tôm Ninh Thuận nói riêng, cả nước nói chung ngày càng lớn mạnh. Sản lượng tôm giống những năm gần đây đạt trên 42 tỷ con post, cao gấp 2,18 lần so với năm 2015, đưa tỉnh ta trở thành trung tâm sản xuất tôm giống lớn nhất cả nước, … Tôm giống Ninh Thuận có chất lượng được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Nhãn hiệu chứng nhận, góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu, được thị trường ưa chuộng, chiếm 30% thị phần cả nước.

Tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong giai đoạn 2021-2030 là khai thác triệt để lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, nguồn nhân lực có kiến thức, kinh nghiệm và năng động, sáng tạo của doanh nghiệp kết hợp đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng tôm giống, từ đó khẳng định vai trò của Ninh Thuận là mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất ngành tôm Việt Nam. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới, sáng tạo, đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ; đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu, hợp tác, liên kết phát triển mở rộng thị trường, nâng cao giá trị Nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận”. Tổ chức quy hoạch chi tiết xây dựng, đầu tư hoàn thiện hạ tầng Khu sản xuất giống TS tập trung An Hải quy mô 316 ha, Khu sản xuất giống TS tập trung Nhơn Hải 100 ha thành khu nông nghiệp công nghệ cao. Đầu tư đồng bộ hạ tầng cảng cá; phát triển nghề cá có trách nhiệm. Tiếp tục tổ chức lại nghề khai thác hải sản theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu đội tàu và cơ cấu nghề khai thác vùng lộng một cách hợp lý. Tăng năng lực đội tàu khai thác xa bờ theo hướng phát triển các nghề lưới vây, nghề câu, nghề chụp, lưới rê để khai thác các loại hải sản có giá trị kinh tế cao.