Dự án SACCR do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) viện trợ không hoàn lại thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) được thực hiện tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm (2021 – 2026). Dự án SACCR hướng tới mục tiêu tăng cường khả năng thích ứng của nông hộ nhỏ, dễ bị tổn thương đối với tình trạng mất an ninh nước do biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung vào các nội dung như trao quyền cho các nông hộ nhỏ, đặc biệt là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số để quản lý rủi ro khí hậu ngày càng tăng trong sản xuất nông nghiệp thông qua bảo đảm nguồn nước; áp dụng thực hành nông nghiệp mang tính chống chịu khí hậu và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin khí hậu nông nghiệp mang tính thực hành; tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng và thị trường; thúc đẩy sự chuyển đổi cách thức sản xuất quy mô nông hộ nhỏ từ các biện pháp ngắn hạn, mang tính đối phó sang các biện pháp mang tính tổng hợp, có sự điều phối giữa các bên liên quan thông qua quản lý nguồn nước, sản xuất chủ động dựa trên thông tin về rủi ro khí hậu…
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị.
Tại Ninh Thuận, dự án được triển khai tại 15 xã thuộc 4 huyện, gồm: Xuân Hải, Tri Hải, Phương Hải, Nhơn Hải (Ninh Hải); Mỹ Sơn, Nhơn Sơn (Ninh Sơn); Phước Chiến, Phước Kháng, Lợi Hải, Bắc Sơn, Bắc Phong (Thuận Bắc) và Phước Tân, Phước Thắng, Phước Thành, Phước Trung (Bác Ái). Với tổng mức đầu tư hơn 143 tỷ đồng; chia làm hai hợp phần với nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và hoạt động đầu tư cho 7.073 hộ hưởng lợi. Cụ thể như: Thiết lập kết nối cuối cùng từ hạ tầng thuỷ lợi của hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ tới mặt ruộng của các hộ nông dân nghèo và cận nghèo; tập huấn sử dụng thiết bị tưới, bảo dưỡng hệ thống có thông tin về rủi ro khí hậu; xây dựng mới và nâng cấp ao hồ nhỏ; tăng cường các hệ thống và thực hành canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu, tiếp cận thị trường và tín dụng cho đầu tư nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu bền vững…
Xuân Nguyên