Phát triển công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Nhờ có chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và toàn xã hội, trong 30 năm qua, ngành Công nghiệp (CN) tỉnh nhà đã có bước phát triển nhanh và đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.

Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Khi mới tái lập tỉnh (tháng 4-1992), toàn tỉnh chỉ có vài chục DN sản xuất CN quy mô nhỏ, lẻ, sản phẩm đơn điệu, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp. Thực hiện nghị quyết các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, tỉnh ta đã tập trung mọi nguồn lực, thực hiện hàng loạt giải pháp thúc đẩy phát triển CN, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, sau 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay toàn tỉnh có 3.760 DN đang hoạt động, sản xuất CN có bước đột phá mạnh mẽ, khẳng định vai trò là nền tảng trong phát triển kinh tế địa phương. Năm 2021, chỉ số sản xuất CN tăng 24,6%, đứng đầu cả nước, trong đó năng lượng tái tạo tiếp tục phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tăng 59,8%, đóng góp 6,84% GRDP của tỉnh.

Công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nha đam. Ảnh: P.Bình

Trong những năm tới, để phát triển CN trở thành đòn bẩy để phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ khác, phù hợp với chiến lược tổng thể phát triển KT-XH, dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, CN xanh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển CN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực có lợi thế như: CN năng lượng (điện gió, điện mặt trời, điện khí, thủy điện tích năng), cảng biển, đóng tàu, CN chế biến, chế tạo, CN phụ trợ... Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất CN tăng 17-18 %/năm. Tỷ trọng ngành CN chiếm 29-30% giá trị GRDP toàn tỉnh. Đến năm 2030 phát triển một số sản phẩm CN chế biến, nhất là sản phẩm chế biến xuất khẩu có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước và từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN đạt bình quân 18%/năm, tỷ trọng CN trong GRDP đạt 40%.

Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo

Tỉnh ta có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển NLTT so với các tỉnh khác của cả nước, đây cũng là lĩnh vực được xác định là một trong những trụ cột, tạo động lực đột phá, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu, thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo báo cáo của Sở Công Thương, năm 2021, ngành đã tập trung chỉ đạo hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án thúc đẩy tăng trưởng ngành CN, nhất là các dự án NLTT: Trong năm hoàn thành 14 dự án/công suất 740,7 MW, các dự án năng lượng đưa vào vận hành thương mại đã góp phần tăng sản lượng điện đạt 6,3 tỷ kWh, tăng 37% so cùng kỳ; tập trung triển khai các thủ tục để chuẩn bị cho công tác đấu thầu dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn I, công suất 1.500 MW; triển khai Đề án phát triển điện gió ngoài khơi tích hợp vào Quy hoạch điện VIII; giải quyết một số văn bản trình chấp thuận hướng tuyến các dự án truyền tải điện NLTT.

Nhà máy điện gió và điện mặt trời của Trungnam Group được đầu tư và vận hành thương mại
tại xã Bắc Phong (Thuận Bắc) góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: Văn Nỷ 

Tỉnh ta đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tổng công suất điện toàn tỉnh tăng thêm khoảng 3.000 MW, sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh; ngành năng lượng, NLTT đóng góp 22% GRDP và 29% tổng thu ngân sách của tỉnh; hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối cao với hệ thống lưới điện khu vực, quốc gia, đáp ứng hiệu quả mục tiêu phát triển KT-XH. Đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện tăng thêm khoảng 5.300 MW, nâng quy mô công suất nguồn điện toàn tỉnh đạt 11.800 MW.

Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Sự phát triển mạnh mẽ của ngành CN đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của tỉnh trong giai đoạn qua, tạo việc làm và nâng cao đời sống Nhân dân trong tỉnh. Để thực hiện hiệu quả, phấn đấu đạt được các mục tiêu đã đề ra của Nghị quyết số 18-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút các nguồn lực để phát triển các nhóm ngành CN. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là Cảng biển tổng hợp Cà Ná, Trung tâm điện lực LNG Cà Ná. Khuyến khích các ngành nghề sản xuất tiểu thủ CN, ngành nghề truyền thống mở rộng hoạt động, đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu. Áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế. Đặc biệt cần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, công khai, minh bạch để thu hút các nhà đầu tư lớn thực hiện định hướng phát triển chiến lược của tỉnh, xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước.