Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định

Nhờ tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Đặc biệt là ban hành kịp thời Kế hoạch triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Nhờ đó, tình hình KT-XH của tỉnh trong 4 tháng đầu năm 2022 tiếp tục duy trì ổn định, có bước phát triển.

Điểm sáng bức tranh kinh tế của tỉnh trong 4 tháng đầu năm là lĩnh vực công nghiệp với chỉ số sản xuất toàn ngành ước tăng 6,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 18,63%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,57%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,6%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có chỉ số tăng cao trong 4 tháng đầu năm, gồm: Tôm đông lạnh tăng 109,4%; thạch nha đam tăng 106,5%; bia đóng lon tăng 37,9%; điện gió tăng 26,3%...

Nhân viên Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt chế biến sản phẩm nha đam. Ảnh: Văn Miên

Đối với sản xuất nông nghiệp, đến giữa tháng 4-2022, toàn tỉnh gieo trồng được 17.875,6 ha lúa, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Huyện Ninh Phước vẫn là địa phương có diện tích lúa đông - xuân lớn nhất với 5.403,9 ha, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Lúa đông - xuân đã thu hoạch được 7.362 ha/17.875,6 ha, đạt 41,2% diện tích gieo trồng; năng suất thu hoạch đạt bình quân 67,2 tạ/ha. Về thủy sản, sản lượng khai thác trong 4 tháng đầu năm ước đạt 31.998,2 tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 2.185 tấn, tăng 2,1% và sản lượng khai thác đạt 29.813,2 tấn, tăng 1,8% (chủ yếu là sản lượng thủy sản khai thác biển).

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 9.970,9 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 8.120,6 tỷ đồng, chiếm 81,4% tổng mức và tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.123,1 tỷ đồng, chiếm 11,3% tổng mức và tăng 4,1%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 0,5 tỷ đồng, chiếm 0,005% và giảm 47,5%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 726,8 tỷ đồng, chiếm 7,3% và tăng 8,5%. Kết quả trên đã tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2021; trong đó CPI tháng 4-2022 tăng 1,11% so với tháng 12-2021 và tăng 2,39% so với cùng kỳ năm trước.

Người dân mua hàng hóa tại siêu thị Coopmart Thanh Hà. Ảnh: Văn Nỷ

Nhờ tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, nên số doanh nghiệp (DN) thành lập mới trong 4 tháng đã có nhiều khởi sắc. So với cùng kỳ năm 2021, số DN đăng ký thành lập mới tăng 59,1%; số vốn đăng ký mới tăng 9,4 lần; số DN quay trở lại hoạt động tăng 90,7%; số DN giải thể giảm 34,4% và số DN tạm ngừng hoạt động giảm 4,1%. Riêng trong tháng 4, có 35 DN thành lập mới với số vốn 207,1 tỷ đồng, tăng 59,1% số DN và số vốn đăng ký tăng 82,6% so cùng kỳ; lũy kế 4 tháng năm 2022, có 181 DN thành lập mới, tổng vốn đăng ký 10.241 tỷ đồng, tăng 41,4%; nâng tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đến nay lên 3.942 DN, với tổng số vốn 89.420 tỷ đồng.

Về kết quả thực hiện vốn đầu tư phát triển, ước thực hiện trong 4 tháng năm 2022 đạt 565,4 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh: 323,4 tỷ đồng, tăng 47,7%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện: 242 tỷ đồng, tăng 198,8%. Riêng trong tháng 4, tỉnh tiếp tục thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thi công các công trình, dự án với tổng vốn thực hiện ước đạt 146,6 tỷ đồng, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo Cục Thống kê tỉnh, vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trong tháng 4 chủ yếu thực hiện đầu tư các dự án chuyển tiếp từ 2021 chuyển sang, gồm: Dự án Đường nối từ trung tâm thị trấn Tân Sơn đi ngã tư Tà Năng - Đức Trọng; Dự án Vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải giai đoạn 2 - Tiểu dự án Tp. Phan Rang- Tháp Chàm; Dự án Mở rộng đường Văn Lâm- Sơn Hải; Dự án Đường đôi vào Tp. Phan Rang - Tháp Chàm (đoạn phía Nam)...

Dự báo những tháng còn lại của năm 2022 có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen. Để thực hiện được mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nhanh KT-XH, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2022 đã đề ra, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố quán triệt phương châm hành động “Đoàn kết, thích ứng, sáng tạo, kỷ cương, phát triển, hiệu quả”, bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, các Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật cao, phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành; sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển KT-XH, trong đó tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, kịp thời kế hoạch năm 2022, trọng tâm là tập trung các giải pháp đột phá vào các ngành năng lượng; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, đầu tư để thúc đẩy tạo động lực cho tăng trưởng; đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực. Quản lý chặt chẽ, thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách và tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế. Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho DN. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu..., nhằm tạo sự đồng thuận cao, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân trong tỉnh để thực hiện hoàn thành 21 nhiệm vụ trọng tâm đột phá và 177 nhiệm vụ cụ thể mà UBND tỉnh đã đề ra.