Sản xuất công nghiệp quý I-2022: Nhiều sản phẩm tăng trưởng khá

Năm 2022 Sở Công Thương đề ra mục tiêu đưa giá trị sản xuất ngành Công nghiệp (CN) đạt 12.055 tỷ đồng, tăng từ 17-18% so cùng kỳ năm 2021.

Để đạt được mục tiêu này, đơn vị đã bám sát sát Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sự chỉ đạo của Bộ Công Thương; đồng thời chủ động nắm bắt, thu thập thông tin, vận động doanh nghiệp (DN) ổn định sản xuất ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát để phát huy hiệu quả năng lực các sản phẩm CN hiện có. Nhờ đó, kết thúc quý I-2022, trong số 21 sản phẩm CN chủ lực, có 13 sản phẩm đạt tăng trưởng khá.

Đồng chí Võ Đình Vinh, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong mức tăng trưởng chung của ngành CN quý I, đáng chú ý có một số sản phẩm đã được phục hồi sau khi thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nên đóng góp tăng trưởng cao cho CN chế biến như: Bia đóng lon trong quý I sản xuất đạt gần 14,3 triệu lít, tăng 44,6%; tôm đông lạnh nhờ thị trường xuất khẩu có nhiều hợp đồng mới, nên sản xuất quý I đạt 1.743 tấn, tăng 51,2%; khăn bông tăng 8,2%; thạch nha đam tăng hơn 2,3 lần. Riêng muối biển, nhờ những tháng đầu năm 2022 thời tiết thuận lợi, sản lượng thu hoạch quý I đạt hơn 78,3 nghìn tấn, nên tăng nhẹ 0,8%. Đối với điện sản xuất, trong quý I đạt 1.747 triệu kWh, so với cùng kỳ tăng 0,8%; trong đó, điện năng lượng tái tạo đã cung cấp sản lượng đạt 1.429 triệu kWh, cụ thể: Điện gió đạt 359 triệu kWh tăng 28,7%; điện mặt trời đạt 1.070 triệu kWh giảm 4% cùng kỳ. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 3.654 cơ sở lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 394 MW, sản lượng điện phát lên lưới quý I đạt 100 triệu kWh. Bên cạnh đó, một số ngành CN cấp II cũng có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống tăng 36,11%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 35,71%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 14,8%; khai khoáng khác tăng 10,73%... Kết quả trên đã đưa chỉ số sản xuất ngành CN (IIP) của tỉnh đạt mức tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện có giá trị tăng thêm chiếm 71%, đóng góp tăng 2,2 điểm % chỉ số chung. Ngành chế biến, chế tạo tăng 11,25%, đóng góp tăng 2,37 điểm phần trăm vào chỉ số toàn ngành CN. Ngành khai khoáng tăng 10,73% so cùng kỳ, trong đó khai thác muối biển tăng nhẹ 0,85% so cùng kỳ năm trước.

Dây chuyền sản xuất nha đam của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt. Ảnh: Văn Nỷ

Tín hiệu tích cực của ngành CN trong quý I-2022 là rất đáng mừng, tuy nhiên đánh giá một cách toàn diện cho thấy, trong 21 sản phẩm chủ lực của ngành vẫn còn tới 8 sản phẩm còn gặp khó khăn về thị trường, nguyên liệu..., nên sản lượng giảm. Cụ thể, sản xuất tinh bột mỳ ước sản xuất đạt 5.140 tấn, giảm 27,2% so cùng kỳ; xi măng các loại ước đạt 46,7 ngàn tấn, giảm 15,6% so cùng kỳ; hạt điều khô do tác động bởi tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các thị trường tiêu thụ chính (Trung Quốc), nên sản xuất trong quý chỉ đạt 752 tấn, giảm 5,9%; sản xuất đường đạt 6.942 tấn, giảm 5,2%, do nguồn nguyên liệu mía cây không đáp ứng đủ theo nhu cầu sản xuất của DN.

Về chỉ số tiêu thụ, chỉ tính riêng trong tháng 3-2022 toàn ngành CN chế biến, chế tạo tăng 52,3% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I-2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành CN chế biến, chế tạo tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 231,7%; sản xuất đồ uống tăng 61,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 47,3%; dệt tăng 21,8%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm, gồm: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 61,9%; sản xuất trang phục giảm 26,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ..., giảm 38,7%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 25,2%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 1,8%.

Diêm dân Ninh Hải thu hoạch muối. Ảnh: Kha Hân

Đến thời điểm 31-3-2022, chỉ số tồn kho toàn ngành CN chế biến, chế tạo ước tăng 72,8% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm. Trong đó, sản xuất đồ uống tăng 61,8%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 46,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 1,1%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 13,5%; sản xuất trang phục giảm 20,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ..., giảm 79,5%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước, gồm: Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 1.100,2%; dệt tăng 96,9%.

Số lao động đang làm việc trong các DN tại thời điểm 1-3-2022 tăng 1,7% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2% so với cùng thời điểm năm trước. Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các DN ngành khai khoáng không tăng không giảm so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,3% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,3% và giảm 1,9%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí tăng 0,3% và giảm 2,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,7% và giảm 2,9%.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, kết quả sản xuất CN quý I dù không quyết định cho cả chặng đường dài phía trước, nhưng nếu không nhìn nhận đúng thì sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng và làm giảm mức tăng trưởng của ngành, nhất là trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, thời gian tới Sở Công Thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh để có sự chỉ đạo quyết liệt và giải pháp hỗ trợ, nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc giúp các DN phát huy cao nhất năng lực sản xuất các sản phẩm hiện có theo hướng tăng trưởng bền vững. Trước mắt, trong quý II trình UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ mời thầu và tổ chức mời thầu dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW; phê duyệt Đề án Phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước; kế hoạch đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hòa lưới 471 MW và khởi công 699 MW các dự án năng lượng tái tạo..., với quyết tâm phấn đấu đưa ngành CN hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đề ra.