Đối thoại quốc gia về chuyển dịch năng lượng Việt Nam lần thứ hai

Ngày 19-4, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức buổi đổi thoại quốc gia bằng hình thức trực tuyến giữa các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, chuyên gia trong và ngoài nước về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (lần thứ 2). Tham dự tại điểm cầu tỉnh ta có lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện các sở ngành liên quan.

Tại buổi đối thoại, Bộ Công Thương đã cập nhật về công tác chuẩn bị Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (quy hoạch điện VIII); đề xuất hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, các đối tác của Hội đồng chuyển dịch năng lượng thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Các đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thảo luận các nội dung liên quan về huy động vốn đầu tư hạ tầng, cơ chế chuyển dịch năng lượng; kiến nghị đề xuất các cơ chế, chính sách, vấn đề về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Lãnh đạo Sở Công Thương phát biểu tham luận tại điểm cầu tỉnh ta.

Phát biểu tham luận tại buổi đối thoại, lãnh đạo Sở Công Thương đã đề cập một số vấn đề về cơ chế, chính sách phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm NLTT phù hợp với yêu cầu nêu trong Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị. Qua đó, khẳng định Ninh Thuận là một trong những địa phương có tiềm năng lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) với lượng gió trong năm và bức xạ mặt trời cao nhất cả nước. Thực hiện chủ trương Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị và được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, thời gian qua Ninh Thuận đã có bước phát triển bứt phá, hiệu quả. Tính đến cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh có 49 dự án năng lượng với tổng công suất 3.055,6 MW hòa lưới điện quốc gia mang lại đóng góp lớn cho ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Xác định nhóm ngành năng lượng vẫn tiếp tục đóng góp vai trò trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận, địa phương kiến nghị Ban Kinh tế Trung ương báo cáo Bộ Chính trị có ý kiến với Ban cán sự Đảng Chính phủ một số cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy năng lượng NLTT phát triển, sớm góp phần đưa Ninh Thuận trở thành Tung tâm NLTT của cả nước. Cụ thể như: Đồng ý chủ trương lập quy hoạch Trung tâm năng lượng tái tạo Ninh Thuận; có cơ chế chính sách thu hút đầu tư hình thành Trung tâm nghiên cứu, sản xuất, bảo trì các thiết bị, linh kiện phục vụ cho ngành năng lượng tái tạo. Hình thành khu vực hạ tầng lưới điện, xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp về hạ tầng dùng chung, mua bán điện trực tiếp, đấu thầu cạnh tranh phát triển các dự án phát điện thương mại. Xem xét chấp thuận phê duyệt chuyển quy mô công suất nguồn điện hạt nhân 4.600 MW thay thế bằng nguồn điện khí LNG với quy mô công suất tương đương vào Trung tâm điện lực Cà Ná bổ sung vào quy hoạch điện VIII. Có chính sách hỗ trợ về khoa học-công nghệ đối với các dự án đầu tư năng lượng tái tạo; khuyến khích phát triển công nghệ tích điện để đảm bảo ổn định nguồn cho các dự án điện mặt trời; có chính sách hỗ trợ tài chính để phát triển các dự án năng lượng; khuyến khích thu hút phát triển các dự án xử lý tấm pin mặt trời khi hết vòng đời dự án để tái sử dụng.