Ninh Sơn: Hành trình phát triển toàn diện, bền vững

Là huyện miền núi, xuất phát điểm thấp, song với sự quan tâm đầu tư của tỉnh và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, sau 47 năm giải phóng, 30 năm tái lập tỉnh, huyện Ninh Sơn đã tạo bước chuyển mình toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần sự phát triển chung của tỉnh.

Ninh Sơn là huyện nằm ở phía Tây của tỉnh, là cửa ngõ giao lưu với tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên, vì thế Ninh Sơn có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh trong thời kỳ kháng chiến và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1981, sau khi huyện Ninh Sơn được thành lập, Đảng và Nhân dân các dân tộc trong huyện tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới tư duy, phát huy các nguồn lực để phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH). Năm 2000, huyện Ninh Sơn được chia tách thành 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái. Từ đó, huyện Ninh Sơn càng có điều kiện để phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế. Từ một địa phương khó khăn, xuất phát điểm thấp, Ninh Sơn từng bước vươn lên, đạt được những kết quả trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; nhiều tiềm năng, lợi thế được nhận diện rõ hơn và bước đầu phát huy hiệu quả.

Nhà máy Điện mặt trời Mỹ Sơn. Ảnh: H.P

Đồng chí Nguyễn Đô, Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn chia sẻ: Ninh Sơn ngày nay khác rất xa so với 30 năm trước. Xuyên suốt qua các kỳ Đại hội, Đảng bộ huyện đã có nhiều nghị quyết chuyên đề mang tính đột phá phù hợp với tình hình thực tế từng thời kỳ. Đầu những năm 1992, đường sá đi lại ở nhiều địa phương trong huyện nhỏ hẹp, chủ yếu là đường đất thì nay đều là đường nhựa, bê tông. Hệ thống điện lưới quốc gia được kéo đến tận các khu vực vùng sâu, vùng xa. Từ một nền kinh tế chủ yếu nông nghiệp mang tính tự túc, tự cấp, đến nay huyện đã chuyển sang nền nông nghiệp mang yếu tố sản xuất hàng hóa. Từng bước xây dựng và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, khai thác tiềm năng du lịch… Các chính sách về văn hóa, giáo dục, nhất là chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và công tác giảm nghèo đạt kết quả tốt. Qua đó, tạo bước tiến mới trong việc rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các cộng đồng dân cư trên địa bàn.

Trung tâm huyện Ninh Sơn. Ảnh: V.M

Từ đầu năm 2021 đến nay, trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19, Ninh Sơn đã nỗ lực, quyết liệt thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, đã và đang giữ "vùng xanh” trên bản đồ COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phát triển KT-XH diễn ra trong trạng thái "bình thường mới". Theo đó, tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 đạt 77,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 45,5 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 14,7%. Cơ cấu kinh tế huyện tiếp tục chuyển dịch, giá trị sản xuất một số ngành tăng cao (nông - lâm - thủy sản đạt 1.467,6 tỷ đồng; công nghiệp - xây dựng đạt 2.605,5 tỷ đồng); chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dưa lưới, măng tây xanh, nho, táo; duy trì cánh đồng lớn 150 ha và thực hiện cánh đồng lớn mới 60 ha tại các thôn Tân Lập 1, 2 (xã Lương Sơn) và xã Mỹ Sơn; tỷ lệ diện tích tưới toàn huyện đạt 70%, giá trị sản xuất trung bình đạt 80,2 triệu đồng/ha...

Sản xuất dưa lưới công nghệ cao là mô hình nông nghiệp hiệu quả đang được nông dân xã Mỹ Sơn thực hiện và nhân rộng. Ảnh: H.P

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU về phát triển vùng cây ăn quả đặc sản xã Lâm Sơn gắn với phát triển du lịch sinh thái, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện bước đầu khởi sắc, vườn trái cây đi vào hoạt động, hằng năm thu hút hơn 10.000 lượt khách đến tham quan. Điểm du lịch vườn trái cây Lâm Sơn, khu du lịch sinh thái Sakai đang tiếp tục được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng; nhiều điểm tham quan như: Hệ thống nhà máy thủy điện, đập dâng, Suối Thương, Thác Tiên, vườn hoa lan... thu hút nhiều lượt khách du lịch đến vui chơi, giải trí. Song song đó, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/HU về xây dựng thị trấn Tân Sơn đạt chuẩn đô thị loại 4 giai đoạn 2016-2020, huyện huy động nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện tập trung đầu tư cho thị trấn Tân Sơn và xã Quảng Sơn vùng quy hoạch đô thị là 31 công trình với tổng kinh phí 134,3 tỷ đồng; thu hút các nguồn vốn từ xã hội hóa đạt 1,3 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu cấp thiết trong phát triển KT-XH với 98 công trình, tổng kinh phí 142,21 tỷ đồng.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú (Ninh Sơn) . Ảnh: V.M

Xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều kết qủa tích cực, diện mạo nông thôn của huyện có nhiều thay đổi, khởi sắc; sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư xây dựng; hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố kiện toàn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nhận thức của Nhân dân về xây dựng NTM được nâng lên. Tổng vốn đầu tư xây dựng NTM là 227,4 tỷ đồng, có 5/7 xã đạt chuẩn NTM, toàn huyện đạt 122 tiêu chí, trung bình đạt 17,4 tiêu chí/xã, tiêu chí huyện NTM đạt 7/9 tiêu chí. Cùng với đó, nhiều công trình, dự án trọng điểm đang xây dựng, sẽ đưa vào hoạt động như: Cao tốc Bắc – Nam, mở rộng Quốc lộ 27, đường Tà Nôi (xã Ma Nới), đường nối thị trấn Tân Sơn đi ngã tư Tà Năng (Đức Trọng, Lâm Đồng, Hồ chứa nước Sông Than, Bờ kè Sông Ông, Cụm công nghiệp Quảng Sơn… hứa hẹn góp phần phát triển đồng bộ hệ thống giao thông toàn huyện, tạo đà thúc đẩy phát triển KT-XH huyện nhà.

Kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh là dịp để Đảng bộ, quân và dân Ninh Sơn nhìn lại một chặng đường xây dựng và phát triển với bao gian nan thử thách để có một phố núi tươi đẹp như hôm nay. Phấn khởi trước những thành tựu to lớn đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ninh Sơn càng ý thức sâu sắc trách nhiệm, nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, đẩy lùi khó khăn vượt qua thách thức phấn đấu trở thành huyện NTM, xứng đáng là trung tâm KT-XH phía tây của tỉnh.