Thuận Bắc: Tạo sức bật mới trong phát triển kinh tế - xã hội

Sau ngày tái lập tỉnh (tháng 4-1992), nhất là giai đoạn huyện được thành lập và đi vào hoạt động từ đầu tháng 10-2005 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Bắc nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất trong hành động, khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh, xây dựng quê hương phát triển vượt bậc về mọi mặt.

Nằm ở khu vực có nhiều đồi núi, kinh tế quy mô nhỏ, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, chất lượng nguồn nhân lực thấp, đời sống của một số người dân còn nhiều khó khăn, nhất là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... là những khó khăn, thách thức lớn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thuận Bắc. Đứng trước bối cảnh đó, Đảng bộ huyện xây dựng các nghị quyết mang tính chiến lược tại các kỳ đại hội đảng bộ các cấp, một mặt tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, toàn diện, mặt khác tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh và các nguồn tài trợ khác tổ chức đầu tư có trọng tâm, trọng điểm kết cấu hạ tầng gắn với thực hiện các chính sách an sinh xã hội đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Trung tâm huyện Thuận Bắc. Ảnh: D.L

Do nằm trong khu vực khô hạn của cả nước, có khí hậu nhiệt đới gió mùa bán khô hạn, nên chủ trương hàng đầu của huyện là tận dụng triệt để nguồn lực hỗ trợ của cấp trên để ưu tiên đầu tư xây các dựng công trình thủy lợi nhằm giảm nhẹ rủi ro trong sản xuất nông nghiệp trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đến nay, ngoài 4 hồ chứa nước, 14 đập dâng độc lập và 6 trạm bơm, thông qua nguồn vốn Trung ương, địa phương, huyện đầu tư kiên cố hóa 27,438 km kênh mương các loại, nâng tổng năng lực tưới khoảng 3.412 ha đất canh tác, chiếm 50,9% đất sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân mở rộng vùng canh tác. Ngoài ra, huyện tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học- công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, có lợi thế, liên kết với một số doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch; nhờ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả như: Mô hình cánh đồng lúa lớn với diện tích 289 ha, năng suất đạt từ 73-80 tạ/ha, thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa như măng tây xanh, nha đam, bắp lai, đậu các loại đạt gần 500 ha... đem lại giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác trên địa bàn đến nay đạt 96,3 triệu đồng/năm. Hoạt động chăn nuôi cũng có bước phát triển mới, hình thức chăn nuôi chăn thả từng bước được xóa bỏ, từ định hướng của ngành chức năng, các nông hộ chú trọng trồng cỏ, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các xã khó khăn Phước Kháng, Phước Chiến, Bắc Sơn thực hiện mô hình chăn nuôi dưới tán rừng; nuôi bò, dê, cừu sinh sản, heo đen bản địa, tạo cơ sở quan trọng trong việc tăng thu nhập cải thiện đời sống, tỷ lệ giảm nghèo bình quân từ 3-4%/năm.

Khách tham quan tại khu du lịch sinh thái cộng đồng Núi Chúa Village ở thôn Láng Me, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc). Ảnh: Văn Miên

Cùng với địa hình vùng trung du ven biển, rừng núi và những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số, Thuận Bắc đang sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ và thơ mộng, hoạt động du lịch bước đầu đã có sự chuyển biến nhất định, đã thu hút khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan các địa danh, thắng cảnh như: Suối Tiên, suối Kiền Kiền, Ba Hồ, tháp Hòa Lai. Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 10-4-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, huyện tích cực phối hợp cùng với các sở, ngành của tỉnh kêu gọi các thành phần kinh tế đến tìm hiểu và đầu tư với các dự án du lịch có quy mô lớn, tập trung xây dựng dự án phát triển làng nghề truyền thống Tập Lá, xã Phước Chiến, hỗ trợ các khu trưng bày sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu, đào tạo nghề truyền thống luôn được quan tâm, chú trọng, tạo cơ sở quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của huyện trong tương lai.

Điểm nhấn trong bức tranh phát triển kinh tế trong vài năm trở lại đây cũng phải kể đến lĩnh vực công nghiệp. Với những chính sách đầu tư thông thoáng, sự đồng hành trong giải quyết các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo uy tín với các doanh nghiệp, đưa làn sóng đầu tư trở nên sôi động, trong đó có một số dự án đi vào hoạt động như: Điện gió, điện mặt trời Trung Nam, điện gió Đầm Nại, điện mặt trời Xuân Thiện... ước sản lượng điện thương phẩm khoảng 1,4 tỷ kWh/năm, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng chung. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn hình thành một số ngành công nghiệp có lợi thế về chế biến thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản. Hoạt động thương mại - dịch vụ có chuyển biến và phát triển đáng kể, hệ thống kênh phân phối hàng hóa cơ bản đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân từ vùng đồng bằng đến miền núi.

Trang trại điện gió, điện mặt trời Trung Nam tại huyện Thuận Bắc. Ảnh: X.B

Hệ thống giao thông từ xã đến thôn ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương giữa các vùng, miền; điện lưới quốc gia phủ kín 100% thôn trên toàn huyện. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng được nâng cao; đến nay, có 6/6 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ y tế toàn dân đạt 98%. Hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, gia đình chính sách được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở theo các chương trình 134, 167 của Chính phủ và từ các nguồn quỹ đóng góp từ cộng đồng, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể.

Với sự chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát và vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Thuận Bắc hôm nay đang chuyển mình rõ rệt. Theo đồng chí Vũ Ngọc Đương, Bí thư Huyện ủy Thuận Bắc, mục tiêu đề ra trong phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững; trong đó, tập trung huy động tốt nhất mọi nguồn lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng các ngành, lĩnh vực, sản phẩm và dịch vụ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng cao; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó có hiệu quả với tình hình biến đổi khí hậu. Thực hiện tinh gọn, hiệu quả bộ máy công quyền; nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh cải cách hành chính; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.