Nhóm lặn biển PADI Việt Nam tại Bãi Trứng.
Mới đây, một Nhóm lặn biển tại Ninh Thuận đã tổ chức thực hiện mô hình thí điểm nuôi cấy san hô nhằm tái tạo lại các rạn san hô bị hủy hoại, góp phần phục hồi và bảo vệ môi trường sinh thái biển; đồng thời phục vụ cho ngành Du lịch tỉnh nhà phát triển.
“Những nhánh san sô để lại cho thế hệ mai sau”
Vào những ngày đầu tháng 3, tại bờ biển Mũi Dinh (Thuận Nam), Nhóm lặn biển PADI Việt Nam, gần 20 người hăng hái vượt qua bãi “hoang mạc” Mũi Dinh dài gần 2 km để đến với bãi biển Hòn Trứng, nơi Nhóm dự định thực hiện Dự án “Trồng và nuôi cấy thí điểm san hô tại Mũi Dinh”. Anh Nguyễn Hoàng Quốc Thịnh, thành viên Nhóm lặn biển PADI, phường Đài sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) phấn khởi: Hôm nay tuy sóng to, gió lớn nhưng tôi và tất cả anh em rất phấn khởi, quyết tâm hoàn thành mục tiêu là tìm kiếm các nhánh san hô tiêu chuẩn để nuôi cấy nhằm góp phần tái tạo lại các rạn san hô bị ảnh hưởng do rác thải và đánh chất nổ khai thác hải sản. Ai cũng vui với tâm niệm “mỗi người có một nhánh san sô để lại cho thế hệ mai sau.
Nhóm lặn biển PADI Việt Nam tìm kiếm nhánh san hô để cấy lên giá đỡ.
Công việc của Nhóm lặn biển PADI Việt Nam bắt đầu bằng việc vận chuyển các thiết bị lên thuyền và tìm đến các rạn san hô trong khu vực Mũi Dinh có độ sâu từ 15-20 m. Tại đây, Nhóm sẽ lặn xuống tìm những bụi san hô lớn, sau đó “chiết” một số nhánh khoảng 10 cm đưa về ghép lên giá đỡ bằng nhựa. Anh Nguyễn Hà Minh Trị, Huấn luyện viên, Trưởng Nhóm lặn biển PADI Việt Nam cho biết: Những nhánh san hô này được cấy lên giàn đỡ để nuôi trong thời gian từ 3-5 năm. Sau một thời gian theo dõi, nếu san hô phát triển tốt, Nhóm sẽ cắt và đưa đến các rạn san hô bị ảnh hưởng để trồng thay thế cho những cây san hô bị chết. Qua 2 ngày nỗ lực, Nhóm lặn đã cấy được 2 giàn san hô, mỗi giàn 6 tầng, với tổng cộng 72 nhánh san hô. Những giàn này được cố định đáy bằng đá ở độ sâu khoảng 7-8 m, phía trên treo phao cách mặt nước chừng hơn 4 m để các giá đỡ không bị sóng gió đánh trôi và ngư dân cắt trộm phao.
Nhóm lặn biển PADI Việt Nam cấy nhánh san hô giá đỡ bằng ống nhựa.
Anh Trị cho biết thêm: Đây là mô hình thí điểm đầu tiên trong cả nước do Nhóm thực hiện. Trước đây tại Nha Trang (Khánh Hòa) Viện Hải Dương Học đã thực hiện mô hình cấy san hô vào giá thể bằng xi măng. Còn chúng tôi đang thí điểm giá đở bằng nhựa để dễ vận chuyển hơn. Ngoài cấy trên giá đỡ, Nhóm chúng tôi còn sử dụng loại xi măng đặc biệt để gắn một số nhánh san hô thí điểm lên các bãi đá gần bờ tại bãi Đá Trứng (Mũi Dinh) để dễ quan sát và bảo vệ. “San hô phát triển rất chậm, mỗi năm chỉ cao chừng 1-3 cm, nếu vùng nước tốt có thể phát triển nhanh hơn. Do vậy, phải chờ vài năm, khi các nhánh san hô phát triển mạnh thì mới có thể cắt ra đưa đi trồng nơi khác. Chúng tôi sẽ liên tục theo dõi quá trình phát triển của san hô để có biện pháp xử lý thích hợp. Nếu thành công, Nhóm sẽ thực hiện nhân rộng mô hình ra khắp các vùng biển, đảo Việt Nam, góp phần tái tạo các rạn san hô bị hủy hoại nặng” - anh Trị chia sẻ.
Nhóm lặn biển PADI Việt Nam gắn nhánh san hô lên tảng đá gần bờ biển Mũi Dinh.
Mong sự chung tay của cộng đồng
Khi được hỏi về những khó khăn của Nhóm trong quá trình thực hiện mô hình thí điểm, anh Nguyễn Hà Minh Trị cho hay: Nhóm lặn biển PADI Việt Nam có khoảng 70-80 người, là những thành viên có bằng lặn chuyên nghiệp trong cả nước, như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Kiên Giang,... tự nguyện tham gia, tự nguyện đóng góp kinh phí để hoạt động, với mục đích khám phá biển đảo và chung tay bảo vệ môi trường sinh thái biển. Tuy công việc khá nặng nhọc, nhưng do có kỹ năng và dụng cụ lặn chuyên nghiệp nên trong quá trình thực hiện mô hình, Nhóm chỉ gặp khó khăn khi thời tiết xấu. Dù ở khắp trong cả nước, nhưng do nhận thức rõ mục đích của mô hình là góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tái tạo lại nơi trú ẩn cho các loài hải sản sinh trưởng nên các thành viên của Nhóm đều nhiệt tình, tự nguyện tham gia các hoạt động. Có người ở tận SaPa, Hà Nội, Hải Phòng, Kiên Giang,... đã khắc phục tình hình dịch COVID-19 để về tham gia,...
Theo anh Trị, Ninh Thuận có môi trường biển rất đẹp, nước trong, sạch và có nhiều bãi san hô giá trị,... Thế nhưng, hiện nay vẫn có nhiều người dân vẫn chưa ý thức về tương lai nên còn sử dụng hình thức khai thác hải sản mang tính chất hủy diệt, như sử dụng chất nổ và khí độc tại các rạn san hô, gây ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường sinh thái các loài hải sản nói chung và san hô nói riêng. Bên cạnh đó, nhiều bãi san hô còn bị “lưới ma” (lưới ngư dân vứt bỏ) bao phủ, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của san hô. “Các rạn san hô ở Ninh Thuận vẫn còn bị ảnh hưởng do tàu thuyền của ngư dân thả neo, vì mỗi lần thả neo sẽ phá hủy một đám san hô lớn. Mỗi ngày có hàng chục tàu, thuyền thả neo thì không bao lâu nữa rạn san hô sẽ bị hủy hoại. Hơn nữa, việc đánh lưới xung quanh rạn san hô còn diễn ra làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển của san hô” - anh Trị bộc bạch.
Rạn san hô dọc bờ biển Ninh Thuận.
Để trả lại môi trường trong sạch cho các rạn san hô, Nhóm lặn biển PADI Việt Nam dự định vào khoảng đầu tháng 4 khi thời tiết tốt, biển yên, sóng lặng sẽ tổ chức làm vệ sinh, thu gom rác thải bằng nhựa và “lưới ma” tại các rạn san hô dọc biển Ninh Thuận, nhằm giúp cây san hô phát triển tốt hơn. Anh Trị còn cho biết: Sau khi thực hiện mô hình thí điểm, Nhóm sẽ bàn giao lại cho địa phương hoặc tổ chức có thẩm quyền quản lý, khai thác. Anh mong mô hình được cộng đồng ủng hộ nhằm góp phần tái tạo các rạn san hô bị ảnh hưởng.
Nhận định về mô hình này, ông Trần Văn Tiếp, Giám đốc Ban Quản lý VQG Núi Chúa cho rằng, đây là ý tưởng tốt để góp phần tái tạo các rạn san hô về lâu dài, nhất là giáo dục ý thức bảo vệ môi trường sinh thái biển cho cộng đồng. Tuy nhiên, do mô hình còn mới nên cần có thời gian để đánh giá về kết quả và công tác quản lý mới có thể nhân rộng mô hình “Hiện tại, VQG Núi Chúa dự định sẽ mời một đơn vị chuyên nuôi cấy san hô có hiệu quả về khảo sát để lập dự án tái tạo san hô trên phạm vi của đơn vị quản lý” - ông Trần Văn Tiếp cho biết thêm.
Như Phương
Ninh Thuận có bờ biển dài trên 105 km với nhiều rạn san hô rộng lớn. Riêng Khu bảo tồn biển VQG Núi Chúa là nơi có rạn san hô đẹp và đa dạng nhất Việt Nam, với gần 350 loài phong phú về hình dáng, màu sắc.
Ngày 15-9-2021, VQG Núi Chúa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu vực này có tổng diện tích trên 106.646 ha, trong đó vùng lõi trên 15.752 ha, vùng đệm trên 48.761 ha và vùng chuyển tiếp trên 42.131 ha.
Ngày 21-12-2021, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch quản lý Khu bảo tồn biển VQG Núi Chúa tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025. Theo đó, quy mô quản lý khu bảo tồn biển VQG Núi Chúa được thực hiện từ mũi Đá Vách ở phía Bắc xuống phía Bắc Hòn Chông ở phía Nam với tổng diện tích 7.352 ha. Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 667 ha; phân khu phục hồi sinh thái 656 ha. Các tài nguyên bảo vệ, quản lý trong khu bảo tồn biển bao gồm: Hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái rong, cỏ biển. Trong đó, ưu tiên những loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cần được ưu tiên bảo vệ theo Danh lục đỏ thế giới (IUCN), Sách đỏ Việt Nam.