Nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc)
thu hoạch lúa. Ảnh: V.M
Nhớ lại ngày đầu tái lập tỉnh, ngành Nông nghiệp còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành chủ yếu dựa vào tăng sản lượng do mở rộng quy mô sản xuất; hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình nhỏ, lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa chủ lực tập trung; chất lượng sản phẩm không đồng đều, chế biến còn hạn chế, giá trị gia tăng thấp. Kinh tế hợp tác xã chậm phát triển, liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn yếu, vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư và liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp còn mờ nhạt; việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất chưa được chú trọng. Để xây dựng nền kinh tế nông nghiệp hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề tạo đột phá mới. Tiêu biểu như Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong nông nghiệp đã giải quyết các hạn chế, khó khăn, thách thức trên.
Mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP triển khai ở xã Nhị Hà (Thuận Nam)
đạt được kết quả bước đầu. Ảnh: Ngọc Diệp
Kể từ khi Nghị quyết số 09-NQ/TU và Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy được ban hành, tổ chức triển khai thực hiện đã tạo đột phá về đầu tư hạ tầng thủy lợi, nâng diện tích đất trồng trọt chủ động nước tưới đến nay lên 60%; các mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất các sản phẩm đặc thù, lợi thế của tỉnh được nhân rộng. Từ chỗ sản xuất nhỏ, lẻ, nông dân đã liên kết với nhau sản xuất theo quy mô tập trung hàng hóa. Tính đến đầu năm 2022, toàn tỉnh triển khai được 31 cánh đồng lớn sản xuất lúa, bắp, măng tây xanh, nho, với tổng diện tích hơn 4.014 ha; chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững được hơn 1.518 ha. Từ chương trình xây dựng mô hình cánh đồng lớn có hiệu quả, đã chuyển bước cơ bản nền nông nghiệp phân tán sang sản xuất hàng hóa tập trung. Ngành chức năng, các địa phương chú trọng thực hiện các chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Nếu như trước năm 2015, các cá nhân, tổ chức ít quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thì đến nay nhiều dự án nông nghiệp CNC đi vào hoạt động, tạo đột phá mới.
Cán bộ Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố kiểm tra chất lượng
giống lúa GL301. Ảnh: V.M
Nhờ có chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều hộ gia đình, hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước phục vụ sản xuất ở những vùng khô hạn với diện tích 1.500 ha. Các ứng dụng công nghệ thâm canh sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đối với nuôi tôm trên cát, ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng trong trồng nho, táo, dưa lưới... cũng đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Từ đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, các địa phương trong tỉnh đã biến nắng, gió thành lợi thế phát triển các loại cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế cao, một số sản phẩm đặc thù của tỉnh như nho, táo, măng tây xanh, tôm giống... đã khẳng định được lợi thế cạnh tranh, thương hiệu và thị trường ngày càng được mở rộng. Thực tế, đầu tư sản xuất nông nghiệp theo mô hình CNC cho giá trị sản xuất trên 1 ha đạt 300 triệu đồng/năm, một số mô hình như trồng dưa lưới, măng tây xanh đạt trên 1 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với sản xuất truyền thống. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến nông, thủy sản cũng có nhiều khởi sắc. Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư đổi mới đồng bộ hóa thiết bị công nghệ tạo sản phẩm chất lượng cao như dây chuyền sản xuất các sản phẩm rau câu, nha đam. Công nghệ bảo quản nho, chế biến vang nho; công nghệ sấy lạnh, ly trích hoạt chất, sấy phun trong chế biến tạo nhiều sản phẩm giá trị cao cũng được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư.
Sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu. Ảnh: V.T
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định nông nghiệp đặc thù ứng dụng CNC gắn với công nghiệp chế biến là một trong những lĩnh vực trọng điểm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới. Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, các cấp, các ngành đang triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm với tinh thần khẩn trương, quyết tâm đạt được nhiều thắng lợi. Các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, hướng trọng tâm vào các nội dung: Tập trung thực hiện đồng bộ cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 trục chính, gồm: Các nhóm sản phẩm, các tiểu ngành, lĩnh vực và không gian phát triển gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị nông sản. Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tổ chức dịch vụ nông nghiệp; chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ. Khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện các dự án lớn về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản gắn với chế biến, bảo quản. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2025 đạt 1,7%; giá trị sản xuất hằng năm tăng 5 triệu đồng/ha và đến năm 2025 đạt từ 160 triệu đồng/ha/năm canh tác.
Chặng đường 30 năm phát triển ngành Nông nghiệp có bước chuyển biến vượt bậc nhờ vào chú trọng sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực. Từ vận dụng sáng tạo, linh hoạt các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Trung ương vào điều kiện cụ thể ở từng địa phương, cùng với việc Tỉnh ủy kịp thời ban hành các nghị quyết chuyên đề, chỉ đạo nhân rộng mô hình mới ứng dụng CNC, nông nghiệp vươn lên trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Tuấn Anh