Phát triển xứng tầm Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước

Ninh Thuận có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo (NLTT) phong phú; quỹ đất dành cho phát triển NLTT phù hợp và được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn NLTT nhằm hướng đến mục tiêu phát triển Ninh Thuận thành trung tâm NLTT của cả nước.

Phát huy lợi thế

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 phát triển Ninh Thuận trở thành một trong những trung tâm NLTT của cả nước. Đây là thời cơ quý giá để Ninh Thuận có thể phát triển các dự án năng lượng, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên NLTT phong phú cũng như tận dụng lợi thế về địa điểm để phát triển các dự án năng lượng, đưa năng lượng trở thành lĩnh vực kinh tế trụ cột, trọng điểm, có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh và đời sống Nhân dân. Đây cũng là bước đi nối tiếp và cụ thể quá trình thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là “Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế; phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo” và Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ về một số cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển KT-XH, ổn định đời sống Nhân dân trong giai đoạn 2018-2023 “Chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành Trung tâm NLTT của cả nước, đầu tư Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái, nghiên cứu Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng Cà Ná với quy mô phù hợp; ưu tiên xây dựng đồng bộ lưới điện truyền tải, tích hợp các dự án điện gió, điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia”.

Dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động tạo động lực thúc đẩy kinh tế huyện Thuận Bắc phát triển. Ảnh: H.Lâm

Qua hơn 3 năm thực hiện, Nghị quyết số 115/NQ-CP có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh nhanh chóng, trên nhiều mặt, nhiều chính sách được triển khai có hiệu quả, góp phần thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra. Chủ trương phát triển Ninh Thuận thành trung tâm NLTT bước đầu đã tác động tạo đà quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh. Từ chỗ chỉ có một số nhà máy thủy điện nhỏ có đóng góp không đáng kể cho GRDP của tỉnh đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 50 dự án NLTT với tổng công suất 3.475 MW vận hành thương mại, phát điện lên lưới hơn 4.000 triệu kWh thuộc nhóm đứng đầu trong toàn quốc. Hầu hết các dự án NLTT trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là đầu tư của các doanh nghiệp ngoài nhà nước, có đóng góp tích cực trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển nhiều mặt đời sống KT-XH của tỉnh. Tỉnh Ninh Thuận cũng là địa bàn đầu tiên thực hiện đầu tư tư nhân cho đường dây siêu cao áp 500 kV để truyền tải điện tái tạo lên lưới điện quốc gia. NLTT đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, tốc độ phát triển GRDP đạt 10,02%, nguồn thu từ NLTT chiếm 10,2% tổng thu ngân sách toàn tỉnh; giải quyết khoảng 6.000 lao động, chiếm 2,3% tổng lao động làm việc trong các ngành kinh tế của tỉnh, đưa Ninh Thuận vào nhóm 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong 5 năm qua.

Tháo gỡ khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm NLTT của cả nước còn những khó khăn, vướng mắc: Hạ tầng kỹ thuật lưới điện chưa đồng bộ, mất cân đối cân bằng cung - cầu điện, sự bất cập, thiếu đồng bộ giữa các quy hoạch có liên quan; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp thấp, phụ tải tại chỗ hạn chế, nguồn nhân lực và cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng, NLTT chưa hoàn thiện, định hướng phát triển trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VIII) chưa được phê duyệt, chủ trương thay thế quy mô công suất nguồn điện hạt nhân 4.600 MW bằng nguồn điện khí LNG tại Trung tâm điện lực Cà Ná trong Quy hoạch điện VIII chưa được đồng ý bổ sung và một số vấn đề liên quan khác có ảnh hưởng đến phát triển NLTT cũng là những thách thức không nhỏ trong quá trình phát triển.

Các kỹ sư Nhà máy Điện mặt trời Mỹ Sơn kiểm tra thiết bị. Ảnh: H.Phương

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn và hiện thực hóa chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm NLTT của cả nước, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra, tỉnh đã xác định tập trung phát triển đồng bộ sản xuất điện, hạ tầng truyền tải điện, phụ tải điện và các ngành phụ trợ, đảm bảo các điều kiện về nguồn lực, cơ chế, chính sách để xây dựng tỉnh trở thành trung tâm NLTT của cả nước. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường đầu tư phát triển các nguồn lực, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho ngành năng lượng; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành năng lượng; tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ trong ngành năng lượng... Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách; đồng thời tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến quy hoạch, cơ chế, chính sách về xây dựng trung tâm NLTT của tỉnh phù hợp với quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị. Mặt khác, đẩy mạnh chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp năng lượng tiếp cận các nguồn vốn, thực thi chính sách bảo vệ môi trường gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Kiến nghị chính sách xã hội hóa trong đầu tư phát triển hạ tầng truyền tải, trong tích trữ lưu giữ nguồn điện và thúc đẩy phát triển thủy điện tích năng Bác Ái để tối ưu hóa nguồn năng lượng dư thừa.

Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Với quyết tâm và các giải pháp đồng bộ, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tổng công suất tăng thêm của các dự án NLTT đạt khoảng 3.000 MW để đạt công suất tích lũy 6.500 MW; trong đó điện mặt trời 3.440 MW; điện gió trên bờ và gần bờ 1.200 MW; thủy điện 360 MW; điện khí LNG 1.500 MW, sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh. Tỷ lệ tham gia đóng góp của ngành năng lượng, NLTT trong tiêu thụ điện đạt 20% sản lượng điện toàn tỉnh; đạt 22% GRDP của tỉnh; đạt 29% tổng thu ngân sách; giải quyết 5,5% nhu cầu việc làm trong 4 nhóm ngành kinh tế trọng điểm; đạt 9-10% công suất lắp đặt trong cơ cấu toàn quốc. Đồng thời, hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối với lưới điện khu vực, quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH, phù hợp với định hướng Quy hoạch điện VIII. Tỉnh cũng phấn đấu hình thành Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ NLTT; thu hút dự án đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo các thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng và thu hút các dự án có sử dụng nhiều năng lượng điện. Từ đó, tăng tỷ trọng điện tiêu thụ tại chỗ, tận dụng lợi thế về nguồn NLTT, quỹ đất và hạ tầng giao thông của địa phương. Đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu nâng tổng công suất các nhà máy điện tăng thêm 5.300 MW; qua đó nâng quy mô công suất nguồn điện toàn tỉnh đạt 11.800 MW, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong 4 nhóm ngành kinh tế trọng điểm, xứng tầm là một trong những trung tâm NLTT của cả nước.