Tháng Tư trên những công trình trọng điểm

Trong không khí vui tươi hướng tới những ngày tháng Tư lịch sử kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và 30 năm ngày tái lập tỉnh, trên các công trình dự án động lực, trọng điểm của tỉnh cũng rộn ràng khí thế thi đua, hăng say lao động sản xuất với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các công trình về đích.

Được xây dựng trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng thuộc xã Phước Diêm (Thuận Nam), Dự án Cảng tổng hợp Cà Ná có quy mô lớn mang tầm quốc tế đang được Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công. Có mặt trên đại công trường, chúng tôi nhận thấy những âm thanh rộn ràng của máy xúc, máy trộn bê tông, xe tải đang hoạt động nhộn nhịp, khẩn trương... Từ khi khởi công xây dựng, các đơn vị thi công đã tập trung nhân lực, máy móc, phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên có mặt tại đây để giám sát chất lượng, tiến độ triển khai từng hạng mục. Bằng sự quyết tâm cao độ, vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại về điều kiện thi công và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, đến nay các nhà thầu đã thi công hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng. Theo Trungnam Group, Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 có tổng diện tích quy hoạch hơn 108 ha với các phân khu chức năng chính gồm: 2 bến cảng tiếp tàu với tải trọng toàn phần từ 70.000-100.000 tấn; một bến cảng 20.000 tấn cùng với khu kho bãi, hạ tầng dịch vụ... Đến nay đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 gồm Bến cảng 1A và công tác san lấp bãi hàng, khu phụ trợ phục vụ vận hành khai thác cảng để phấn đấu trong tháng Tư này sẽ đưa bến cảng vào vận hành khai thác. Đối với Bến cảng 1B, các đơn vị thi công cũng đang tập trung nhân lực, phương tiện làm việc 3 ca để phấn đấu hoàn thành vào năm 2023, vượt tiến độ một năm so với kế hoạch. Các đơn vị nhà thầu cũng cam kết đảm bảo chất lượng, an toàn và quyết tâm nỗ lực hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Công trình Cảng tổng hợp Cà Ná đang được đẩy nhanh
tiến độ thi công, sớm đưa vào vận hành khai thác giai đoạn 1.

Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trungnam Group cho biết: Việc hoàn thành giai đoạn 1 của dự án là nền tảng quan trọng tạo dựng một khu đô thị hậu cần - công nghiệp - khoáng sản - năng lượng với quy mô lên đến hàng chục tỷ USD trong tương lai. Dự án sau khi hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa, trang thiết bị ra, vào cảng để phục vụ sản xuất và chế biến cho các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc phục vụ trung chuyển hàng hóa của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Cùng với Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná, Dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná cũng được xây dựng tại xã Phước Diêm (Thuận Nam), hiện đang được tỉnh xúc tiến các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Đây là dự án có tổng công suất 6.000 MW; trong đó, giai đoạn 1 công suất 1.500 MW với tổng vốn đầu tư khoảng 49.000 tỷ đồng. Dự kiến trong quý II-2022 sẽ hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khởi công giai đoạn 1 của dự án; phấn đấu hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong quý II-2026. Việc phát triển dự án điện sử dụng khí hóa lỏng thiên nhiên (LNG) sẽ là yếu tố quan trọng tiếp theo nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng sạch quốc gia và phát triển mạnh mẽ vùng động lực phía Nam của tỉnh.

Là dự án được đầu tư có quy mô lớn tại khu vực gần thượng nguồn Sông Cái, xã Phước Hòa (Bác Ái), Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ tự hào là dự án thủy lợi đầu tiên cả nước được đầu tư xây dựng theo mô hình hiện đại có vai trò điều tiết nước tưới bằng đường ống áp lực thông qua hệ thống đường ống kín. Hiện nay dự án đang dần hoàn thiện, dự kiến sẽ bàn giao cho tỉnh quản lý đưa vào sử dụng trong năm 2022. Với dung tích thiết kế 219,8 triệu m3 nước, bằng tổng dung tích của 21 hồ chứa hiện hữu trên địa bàn tỉnh, hồ thủy lợi Tân Mỹ đảm bảo cấp nước tưới cho trên 7.000 ha đất canh tác vùng hạ lưu và mở ra khả năng liên thông các hồ chứa để điều tiết linh hoạt, hài hòa nguồn nước cho cả hệ thống thủy lợi nhằm bổ sung nguồn nước, chấm dứt tình trạng hạn hán từng xảy ra tại một số địa phương, khu vực trong tỉnh.

Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng trong năm 2022.

Cũng góp phần giải quyết căn bản tình trạng thiếu hụt nguồn nước trước tác động của biến đổi khí hậu; phục vụ nước tưới cho khu vực phía Nam của tỉnh, Dự án Hồ chứa nước Sông Than nằm trên địa bàn xã Hòa Sơn (Ninh Sơn), do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư, được xây dựng với quy mô dung tích 85,04 triệu m3 nước, tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Sau khi tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ các khó khăn, hiện nay dự án đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục chính như: Đập đất nhánh phải với chiều dài đỉnh đập hơn 1 km; đập bê tông trọng lực nhánh trái dài hơn 300 m và hai đập phụ có chiều dài hơn 400 m, cao trình đỉnh đập hơn 280 m... Phấn đầu hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng trong năm 2022. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ phục vụ tưới cho 4.500 ha đất canh tác và nước sinh hoạt ổn định cho 20.000 hộ dân vùng hạ lưu huyện Ninh Sơn và thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thi công đập chính Hồ chứa nước Sông Than.

Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm: Là dự án lớn, có tổng mức đầu tư 1.933 tỷ đồng, do Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh làm chủ đầu tư. Với sự đồng thuận của người dân, tiến độ thi công các công trình thuộc giai đoạn 1 của dự án đang được đẩy lên nhanh nhất. Dự án hiện đang khẩn trương triển khai thi công các gói thầu quan trọng; hạng mục kiên cố hóa kênh Chà Là đang đi vào giai đoạn nước rút. Đơn vị thi công đã hoàn thành việc nạo vét, kiên cố hóa 2 bờ kênh, lắp đặt lan can bảo vệ và đèn chiếu sáng, đạt tổng khối lượng thi công trên 65%; công trình mở rộng hẻm 150, đường 21 Tháng 8, đến nay đã thông tuyến, đơn vị thi công đã tiến hành thảm nhựa, phấn đấu bàn giao công trình đường vào cuối tháng Tư năm nay; khu tái định cư Phan Đăng Lưu cũng đã hoàn thành phân lô, sẵn sàng tiếp nhận các hộ dân tái định cư. Dự án cũng đang triển khai các hạng mục giai đoạn 2 (70%), đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục lựa chọn đơn vị thi công. Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Giám đốc phụ trách Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh, cho biết: Hiện nay công tác giải phóng mặt bằng đang được gấp rút triển khai, phấn đấu quý I-2022 có 80% mặt bằng sạch và đến tháng 7-2022 có 100% mặt bằng sạch để thi công tất cả hạng mục của dự án. Dự kiến giai đoạn hoàn thiện sẽ được thực hiện nhanh do không còn vướng mắc về mặt bằng. Dự án môi trường bền vững khi hoàn thành sẽ góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe của người dân, tạo cảnh quan đô thị, giúp tỉnh Ninh Thuận thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và xây dựng đô thị Phan Rang - Tháp Chàm văn minh, hiện đại.

Kênh Chà Là vừa hoàn thành việc nạo vét, kiên cố hóa 2 bờ.

Hòa trong không khí thi đua sôi nổi hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh, với sự quyết tâm cao độ và nỗ lực vượt khó của các đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu thi công, các công trình trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây thực sự là động lực tạo nên sức bật, sự vươn lên mạnh mẽ của quê hương Ninh Thuận trong thời kỳ đổi mới.