Trẻ dưới 12 tuổi nên ăn thực phẩm gì khi tiêm vắc xin phòng COVID-19

Thực phẩm giàu vitamin A: Một trong những dấu hiệu sớm nhất của sự thiếu hụt vitamin A là giảm khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như COVID-19. Giống như hầu hết các chất dinh dưỡng cho hệ miễn dịch, cách tốt nhất để có được vitamin A là thông qua chế độ ăn uống. Vitamin A có trong các thức ăn nguồn gốc động vật như: trứng, sữa, cá, thịt, gan lợn, bầu dục, tôm... Thức ăn có nguồn gốc thực vật: các loại rau có màu xanh sẫm (rau ngót, rau muống, rau dền, rau bí...); các loại củ quả có màu vàng (gấc, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài...) chứa nhiều beta-caroten, khi vào cơ thể sẽ được chuyển thành vitamin A.

Thực phẩm giàu vitamin D: Vitamin D có lẽ được biết đến nhiều nhất với lợi ích cho sức khỏe xương, nhưng nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường các phản ứng miễn dịch của cơ thể. Nguồn thực phẩm giàu vitamin D là: các loại cá (cá hồi, cá thu, cá mòi); lòng đỏ trứng, sữa tăng cường vitamin D, sữa chua và sữa tươi...

Thực phẩm giàu kẽm: Kẽm hỗ trợ hoạt động của các tế bào miễn dịch. Thiếu kẽm có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Các nguồn thực phẩm giàu kẽm bao gồm: thịt bò, thịt gà, hàu, cua, sữa chua, hạt điều, đậu xanh...

Thực phẩm giàu vitamin C: Khi nói đến việc chống lại nhiễm trùng không thể bỏ qua nguồn thực phẩm giàu vitamin C. Khả năng tăng cường miễn dịch, chống lại nhiễm trùng của vitamin C có thể liên quan đến các đặc tính chống oxy hóa của nó. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: trái cây có múi, ớt chuông, dâu tây, dưa lưới, bông cải xanh, cà chua...