Chung tay phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Từ đầu năm 2022 đến nay, trên cả nước liên tiếp xảy ra hàng loạt các vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em. Thực trạng này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước, dạy kỹ năng mềm cho trẻ.

Đuối nước gia tăng ở tuổi học đường

Tại Việt Nam, trong tai nạn thương tích, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mặc dù số trẻ em bị đuối nước đã có xu hướng giảm trong thời gian qua nhưng theo thống kê, mỗi năm, đuối nước vẫn cướp đi sinh mạng của khoảng 2.000 trẻ em.

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều vụ học sinh bị đuối nước xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã tiếp tục gióng lên một hồi chuông báo động về sự an toàn cho các em nhỏ. Mới đây nhất là vụ việc 5 em học sinh lớp 6 Trường THCS Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa bị đuối nước trên sông Mộc Khê vào chiều ngày 4-4-2022. Trước đó, tại huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên vào ngày 30-3 cũng xảy ra một vụ đuối nước thương tâm trên sông Mã khiến ba trẻ nhỏ tử vong.

Còn tại xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, ngày 28-3, ba chị em ruột cũng bị đuối nước tại hồ Ea Dhung Tiêng. Trước đó, ngày 23-3, trên địa bàn thị tấn Ea Súp, huyện Ea Súp, Đắk Lắk cũng xảy ra vụ đuối nước tại khu vực hồ Trung Chuyển khiến hai cháu nhỏ tử vong.

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng chủ yếu vẫn là nhận thức và hiểu biết chung về đuối nước trẻ em còn thấp. Nhiều trường hợp đuối nước trẻ em xảy ra do sự thiếu kiến thức của người lớn, bản thân trẻ thiếu các kỹ năng an toàn, nhiều trẻ em không biết bơi, mới có 30% trẻ em từ 6-14 tuổi biết bơi nhưng không có kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Cùng với đó là sự sao nhãng, vô ý, bất cẩn của các bậc cha mẹ. Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông suối và tắm biển không có người lớn đi kèm. Môi trường sống tại gia đình và ngoài cộng đồng chưa an toàn, tiểm ẩn các nguy cơ gây đuối nước trẻ em.

Phía sau các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em là sự đau xót, day dứt và ân hận của các bậc làm cha, làm mẹ, các thầy cô giáo và chính quyền địa phương. Chứng kiến cảnh tượng đó, nhiều người thốt lên rằng “giá như các em đó biết bơi hoặc được trang bị kỹ năng bơi lội an toàn", và rất nhiều cái “giá như” nữa... nhưng tất cả đều quá muộn màng bởi sự chủ quan của những người có trách nhiệm.

Cần sự phối hợp từ nhiều phía

Tai nạn đuối nước xảy ra nhiều nhất là vào dịp nghỉ hè, nhất là trẻ em ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều ao, hồ, sông, suối. Điều kiện sống của trẻ em Việt Nam có nhiều ao hồ, kênh, rạch, sông, suối… đây là nguy cơ tiềm ẩn của đuối nước. Chính vì vậy, các chuyên gia đều cho rằng, giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em là dạy bơi cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2018, Bộ phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (CHAI) triển khai các chương trình can thiệp về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam tại 8 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Theo đó, đã có khoảng 1.000 trẻ (6-15 tuổi) đã được học bơi an toàn trong môi trường nước.

Trong những năm qua, nhiều địa phương cũng đã đưa môn bơi lội vào trường học bằng cách tổ chức các bể bơi thông minh để dạy bơi cho học sinh. Tuy nhiên, học bơi thôi chưa đủ, phải dạy trẻ kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu tại cộng đồng. Đây là những kỹ năng vô cùng quan trọng để khi các em gặp tình huống đuối nước có thể tồn tại dưới môi trường nước để chờ người lớn tới cứu.

Dạy kỹ năng an toàn cho trẻ là dạy cho các em các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi. Hoặc giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh… Cần tăng cường nâng cao nhận thức về tai nạn sông nước cho trẻ và cho cả người lớn, bởi phòng hậu quả đuối nước là chuyện của cả cộng đồng.

Ngày 19-7-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu giảm 20% trẻ em tử vong do đuối nước; 70% trẻ em biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước và 60% trẻ em biết bơi an toàn vào năm 2030.

Sau đó, ngày 14-12-2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2030 của ngành. Mục tiêu tổng quát là kiểm soát, giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em nhằm bảo đảm tính mạng và sức khỏe của trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội. Các mục tiêu cụ thể được đưa ra như: 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em; phấn đấu 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và đạt 70% vào năm 2030; 50% trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và nâng lên 60 % vào năm 2030.

Ủy ban Quốc gia về Trẻ em cũng đã có Công điện đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em trong đó có phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Ủy ban Quốc gia về Trẻ em đề nghị các địa phương triển khai kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời, loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn, thương tích, đuối nước, rơi, ngã và các nguy cơ mất an toàn khác tại địa bàn và các hộ gia đình, trường học, lớp học; có biện pháp chủ động khắc phục, phòng ngừa, cảnh giới.

Các địa phương tổ chức phối hợp liên ngành tăng cường truyền thông, hướng dẫn đến từng hộ gia đình, từng trường học, lớp học kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát và trông giữ trẻ em.

Đặc biệt, các địa phương quản lý chặt chẽ học sinh trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, các thời điểm bão, lũ, thiên tai để bảo đảm an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em. Các địa phương vận động các gia đình chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Theo TTXVN