Phát huy vai trò của hội phụ nữ các cấp trong giám sát, phản biện xã hội

Phát huy vai trò tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ (PN), thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tích cực thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách liên quan đến PN, bình đẳng giới.

Để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, ngoài tổ chức quán triệt, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, nhất là Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy định về việc MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Tọa đàm nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội trong các cấp hội năm 2024

Bám sát các chỉ thị và quyết định nêu trên, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, quy trình giám sát, phản biện xã hội; hằng năm, chủ trì giám sát ít nhất 1 chính sách và phản biện xã hội ít nhất 1 dự thảo văn bản liên quan đến PN, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và tổ chức hội; chỉ đạo Hội LHPN cấp huyện, cấp xã giám sát ít nhất 1 chính sách và góp ý ít nhất 1 dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền. Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai quán triệt, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW được Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chỉ đạo nghiêm túc; đồng thời tổ chức sơ, tổng kết định kỳ 6 tháng, 1 năm, 5 năm đánh giá kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp phù hợp nhờ đó chủ trương, chính sách, quy định về giám sát, phản biện xã hội được các cấp hội thực hiện hiệu quả, tích cực.

Đối với công tác giám sát, hằng năm, trên cơ sở nội dung định hướng của hội cấp trên, cấp ủy cùng cấp và những vấn đề bức xúc liên quan đến PN, trẻ em, Hội LHPN các cấp chủ động đăng ký nội dung giám sát thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp, xin chủ trương của cấp ủy, phối hợp tổ chức giám sát theo đúng quy trình. Trong 3 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức giám sát thực hiện 4 cuộc giám sát; cấp huyện, xã chủ trì thực hiện 216 cuộc giám sát với 65 nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lợi của PN, trẻ em và tổ chức hội. Bên cạnh đó, Hội LHPN các cấp còn tham gia các đoàn giám sát của HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể giám sát nhiều nội dung trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Đối với công tác phản biện xã hội, 3 năm qua, Hội LHPN tỉnh chủ trì 4 cuộc đối thoại trong cán bộ, hội viên, PN góp ý, phản biện 169 văn bản, các dự thảo văn bản liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của PN, trẻ em. Hằng năm, Hội LHPN các cấp huyện, xã đóng góp, phản biện hàng trăm văn bản dự thảo luật, nghị quyết, đề án, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động Hội, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của PN, trẻ em; phối hợp các ngành tham gia đối thoại tại địa phương về những vấn đề bức xúc có liên quan đến đất đai, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, các chế độ chính sách đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số... Ngoài ra, thông qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, các cuộc giao ban, các kỳ họp HĐND, tiếp xúc cử tri, các kỳ sinh hoạt của thôn, khu phố... cán bộ, hội viên đóng góp ý kiến, bày tỏ quan điểm của mình đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đa số đều được chính quyền, các ban, ngành ghi nhận, tiếp thu; nhiều nội dung được chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân nói chung và hội viên, PN nói riêng; tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức hội trong xây dựng Đảng, chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí Phan Thị Ngân Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát, phản biện xã hội của Hội LHPN các cấp cũng còn một số hạn chế: Một số đơn vị chưa thực sự chủ động, mạnh dạn, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, còn có sự nể nang, ngại va chạm; chưa nghiên cứu sâu, nắm chắc, các chính sách liên quan đến nội dung giám sát nên hiệu quả mang lại chưa cao... Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục bám sát định hướng giám sát, phản biện xã hội của trung ương, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của Hội, yêu cầu nhiệm vụ chính trị cũng như vấn đề xã hội, hội viên PN quan tâm để chọn vấn đề giám sát phù hợp từng năm. Việc tổ chức, thành lập các đoàn giám sát chuyên đề với sự tham gia của các ban, ngành liên quan; có phương pháp làm việc khoa học, phù hợp... để việc giám sát, phản biện xã hội đạt hiệu quả, chất lượng cao, phát huy vai trò của tổ chức hội, hội viên đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.