Ngành Giao thông vận tải đạt nhiều thành tựu nổi bật, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà

Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, ngành Giao thông vận tải (GTVT) Ninh Thuận đã có nhiều cố gắng, phấn đấu vượt bậc trong xây dựng, phát triển và đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm an ninh - quốc phòng của tỉnh.

Nhớ lại, giai đoạn năm 1992, khi mới tái lập tỉnh, hệ thống giao thông trong tỉnh rất hạn chế. Về đường bộ trên địa bàn tỉnh chỉ có Quốc lộ 1A và Quốc lộ 27; hệ thống đường giao thông địa phương chủ yếu đi qua khu vực thị trấn, thị tứ với chất lượng mặt đường xấu (chủ yếu mặt đường láng nhựa, cấp phối, đường đất). Các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị chia cắt nhiều, việc đi lại chủ yếu bằng phương tiện thô sơ, rất khó khăn. Về đường sắt có tuyến đường sắt Thống Nhất hoạt động; đường thuỷ rất hạn chế, chủ yếu là hoạt động thuỷ sản…. Lúc bấy giờ, trên địa bàn tỉnh chưa có trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, chưa có trung tâm sát hạch lái xe, dịch vụ xe buýt và taxi...

Đến nay, sau 30 năm xây dựng và phát triển, mạng lưới giao thông trong tỉnh đã từng bước được xây dựng theo đúng quy hoạch, tạo thành một hệ thống liên hoàn từ quốc lộ - tỉnh lộ - huyện lộ - đến các đường liên xã, trung tâm xã, đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương... Đối với mạng lưới giao thông đường bộ có bước phát triển khá, đặc biệt là đã đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp sửa chữa một số công trình lớn, quan trọng như: Hoàn thiện mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 27, Quốc lộ 27B; đầu tư mới tuyến đường ven biển (đường tỉnh 701 và đường tỉnh 702), trong đó có 2 cầu lớn là cầu An Đông và cầu Ninh Chữ; đường tỉnh 703, Quốc lộ 27 đi Ma Nới; đường tỉnh 708 (từ Quốc lộ 1A - Phước Thuận -ĐT703 - Phước Sơn - Hoà Sơn); đường Hữu Đức - Hậu Sanh (Ninh Phước); đường Kiền Kiền - Mỹ Tân (Ninh Hải), đường Lâm Sơn - Phước Hòa (Ninh Sơn); đường tỉnh 705 (An Hòa - Phước Trung- Đồng mé); đường đi thôn Ma Lâm, xã Phước Tân; đường Phước Chiến - Phước Thành; đường Lâm Sơn -Phước Hoà, đường huyện lộ 6 (Tri Thủy - Bỉnh Nghĩa - Xóm Bằng), đường đôi vào Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; nâng cấp đường Phước Đại - Phước Trung (Bác Ái); đường Ba Tháp - Suối Le - Phước Kháng (Thuận Bắc),.... Hệ thống giao thông đến nay cơ bản được nâng cấp toàn diện, với tổng chiều dài 1.531 km; trở thành hệ thống liên hoàn gắn kết giữa các vùng, miền với nhau. Việc giao lưu với bên ngoài tương đối thuận lợi thông qua các trục đường chính cũng được đầu tư nâng cấp hoàn thành như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 27 và Quốc lộ 27B; 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm và lưu thông được quanh năm. Chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện rõ rệt, bộ mặt giao thông có bước phát triển và khởi sắc, qua đó đã thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa nên đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Cầu An Đông. Ảnh: V.Miên

Riêng về cảng biển, tỉnh đã đầu tư hoàn thành nâng cấp Cảng cá Ninh Chữ có thể tiếp nhận tàu hàng có tải trọng đến 2.000 tấn; đầu tư xây dựng các bến thuỷ nội địa khu vực vịnh Vĩnh Hy, Bãi Kinh (Ninh Hải) phục vụ phát triển du lịch của tỉnh. Điểm nổi bật, tỉnh đã hoàn thành đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các khu bến cảng hàng hóa Ninh Chữ và Cảng tổng hợp Cà Ná có khả năng tiếp nhận tàu hàng lỏng trọng tải đến 50.000 DWT, tàu nhập khí LNG trọng tải đến 100.000 DWT, hàng tổng hợp hàng container trọng tải đến 300.000 DWT. Hiện nay đang triển khai thi công giai đoạn 1 Cảng tổng hợp Cà Ná tiếp nhận tàu hàng đến 100.000 DWT, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2022.

Lĩnh vực vận tải, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 2 bến xe khách, với nhiều nhà xe hoạt động liên tỉnh, góp phần đưa vận tải hành khách bằng đường bộ chiếm 95% nhu cầu đi lại của người dân. Về cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển vận tải, đến nay trong tỉnh có 5 trung tâm đào tạo lái xe ô tô và 4 trung tâm sát hạch lái xe ô tô; 6 trung tâm đào tạo lái xe mô tô; 2 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ, đáp ứng tốt nhu cầu đăng kiểm xe trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận. Hệ thống giao thông công cộng được quan tâm đầu tư, ngoài loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, taxi, thời gian qua, Sở GTVT đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ Công ty TNHH Phát Hoàng Long đưa 4 xe điện vào hoạt động trên các tuyến số 1, số 2 và số 3 để phục vụ vận chuyển khách du lịch trên địa bàn tỉnh; tổ chức ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang Futabuslines chuẩn bị khai trương, vận hành các tuyến xe buýt nội tỉnh...

Phát huy những thành tựu đạt được, trong thời gian tới, ngành GTVT tiếp tục đề ra các giải pháp mang tính đột phá để hoàn thiện đồng bộ hệ thống giao thông, phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh nhà. Theo đó, tiến hành xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, theo hướng hiện đại, tạo thành mạng lưới giao thông hợp lý, tính kết nối cao, tạo động lực lan tỏa để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực, vùng động lực kinh tế của tỉnh phát triển. Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng, có tính đột phá, trong đó tập trung phát triển kinh tế biển, lấy khu vực Cảng Cà Ná và Cảng Ninh Chữ là trọng tâm, với mục tiêu đến năm 2030 đưa Ninh Thuận trở thành địa phương phát triển mạnh về biển, cơ bản đạt các tiêu chí về phát triển bền vững, phục vụ phát triển kinh tế biển. Tiếp tục nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa và hành khách, đa dạng hóa các phương thức vận chuyển, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong phát triển KT-XH của tỉnh nhà.