Ninh Thuận - 30 năm một chặng đường đổi mới và phát triển

Những thành tựu qua 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển

LTS: Thực hiện Kế hoạch số 93-KH/TU ngày 10-12-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 591/KH-UBND ngày 15-2-2021 của Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn tỉnh và Công văn số 1080-CV/BTGTU ngày 21-3-2022 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về tổ chức tuyên truyền các hoạt động Kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh (1/4/1992 - 1/4/2022), gắn với 47 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975 - 16/4/2022) và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022).

Từ số báo này, Báo Ninh Thuận trích đăng từng giai đoạn phát triển qua 30 năm tái lập tỉnh theo Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Theo đề nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ và HĐND tỉnh Thuận Hải, tại kỳ họp thứ 10 ngày 26-12-1991, Quốc hội khóa VIII đã quyết định tách tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Từ ngày 1-4-1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập và chính thức đi vào hoạt động, có 4 đơn vị hành chính, gồm: Thị xã Phan Rang - Tháp Chàm và các huyện: Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước.

1. Giai đoạn 1992 - 1995: Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, thực hiện chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 10 năm; tháng 10 năm 1992 Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ VIII đã xác định phương hướng, mục tiêu phát triển là: “Phát huy tối đa các lợi thế của tỉnh, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, động viên lực lượng của mọi tầng lớp Nhân dân, sử dụng có hiệu quả liên doanh hợp tác, sự giúp đỡ của Trung ương để đẩy nhanh nhịp độ phát triển tiến kịp với yêu cầu cả nước và các tỉnh bạn. Ra sức xây dựng kinh tế, đồng thời chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị”.

Đường 16 Tháng 4 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) trang trí cờ rực rỡ chào mừng 30 năm ngày tái lập tỉnh. Ảnh: V.M

Sau 4 năm tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng bộ tỉnh. Với tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, Đảng bộ và Nhân dân Ninh Thuận đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy thuận lợi, giành được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá và phát triển tương đối toàn diện, đi dần vào thế ổn định. Tổng sản phẩm xã hội trong tỉnh (GRDP) tăng liên tục, bình quân hằng năm đạt 8,8% (mục tiêu là 7%), nâng thu nhập bình quân đầu người lên 2,25 triệu đồng.

Văn hóa - xã hội từng bước chuyển biến tích cực; cơ sở vật chất của các ngành phát thanh truyền hình, văn hóa, thể dục - thể thao được tăng cường. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo có nhiều đổi mới và đạt những kết quả đáng khích lệ. Hoạt động khoa học - công nghệ bước đầu ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật phục vụ các chương trình kinh tế, dân sinh. Hệ thống cơ sở vật chất ngành y tế trong toàn tỉnh được nâng cấp, kể cả trang thiết bị, công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân chuyển biến khá. Quốc phòng - an ninh được tăng cường và củng cố, chính trị ổn định. Công tác xây dựng Đảng được chăm lo, hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố và kiện toàn từng bước.

Quảng trường 16 Tháng 4 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: T.Duy

2. Giai đoạn 1996 - 2000: Phát huy kết quả đạt được, Đảng bộ và Nhân dân Ninh Thuận tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới và bước đầu tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đạt được những kết quả tương đối toàn diện và đồng đều trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và hoàn thành mục tiêu quan trọng mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra: “Đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế có hiệu quả và vững chắc hơn, đồng thời giải quyết tốt những vấn đề bức xúc về xã hội, giữ vững quốc phóng và an ninh, xây dựng tiềm lực kinh tế, phấn đấu đưa tỉnh ta vượt qua tình trạng nghèo và kém phát triển, nâng cao tích lũy nội bộ, cải thiện mức sống Nhân dân, thu hẹp khoảng cách tụt hậu, tạo tiền đề cho bước phát triển mạnh hơn sau năm 2000”.

Nền kinh tế tiếp tục phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, tạo thêm năng lực sản xuất mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 6,2%; GRDP bình quân đầu người đạt 3,26 triệu đồng, tăng gần 1,5 lần so với năm 1995. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Đã hoàn thành mục tiêu quốc gia về xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học; nâng cấp trường Sư phạm thành Trường Cao đẳng Sư phạm. 100% xã phát động xây dựng Làng văn hóa; phát thanh - truyền hình phủ sóng 98-100% số xã. Điện, đường, trường, trạm, công trình thủy lợi đầu tư nhiều hơn trước, tạo được sự phát triển sản xuất và nâng cao dân trí. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc miền núi được cải thiện. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, tình hình chính trị xã hội ổn định. Công tác xây dựng Đảng được xác định là nhiệm vụ then chốt. Khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng, tạo sự thống nhất về chính trị và đồng thuận trong Nhân dân.

(MỜI XEM TIẾP KỲ SAU)