(NTO) Với các ưu điểm nổi bật: chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật trồng đơn giản, hiệu quả kinh tế cao, cây rong sụn đã từng được xem là cây “xóa đói, giảm nghèo” cho nhiều bà con ven biển xã Phước Dinh (Thuận Nam). Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, điều kiện trồng không thuận lợi đã gây nhiều khó khăn cho việc phát triển cây rong sụn ở địa phương.
Chị Lương Thị Lệ, thôn Sơn Hải 2, thương lái thu mua rong sụn ở địa phương.
Mặc dù đã đến thời điểm xuống giống rong sụn vụ Nam, nhưng đến thôn Sơn Hải 1, Sơn Hải 2 những ngày này, khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một số hộ dân còn duy trì trồng rong sụn. Chị Nguyễn Thị Hồng Diễm, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Dinh, cho biết: "Vài năm trước đây khi phong trào trồng rong sụn còn rầm rộ, toàn xã có đến hàng trăm hộ dân trồng rong với diện tích lên đến trên 360 ha. Mỗi vụ, trung bình bà con thu lãi từ 30-40 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ lời từ 60-70/ha triệu đồng. Cây rong sụn không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Nhưng thời gian gần đây, việc trồng rong sụn không hiệu quả, sản lượng thấp, bà con thua lỗ nhiều nên diện tích trồng cũng giảm đáng kể". Năm 2010, diện tích trồng rong sụn toàn xã chỉ còn 80 ha, với sản lượng 295 tấn, đạt 8,42% kế hoạch. Thường mọi năm đến tháng 4 bà con đã xuống giống vụ Nam, nhưng đến nay, bà con vẫn chưa tiến hành trồng do thời tiết quá nóng. Hiện toàn xã cũng chỉ có chưa đến 10 hộ tiếp tục bám nghề, với diện tích trồng khoảng 3 ha, chủ yếu là để giữ giống.
Đi dọc theo bờ kè chắn sóng thôn Sơn Hải 2, nếu trước kia, quanh bờ kè là một vùng trồng rong sụn rộng lớn, với nhiều loại hải sản phong phú thì nay nước đã cạn kiệt. Anh Hồ Văn Xuân, người dân thôn Sơn Hải 2, cho biết: "Do thời tiết nắng nóng, nước trong đầm cạn kiệt dần. Mấy năm nay bà con không trồng rong sụn trong khu vực bờ kè mà chủ yếu đưa ra trồng ở vùng ven biển. Gia đình tôi trước đây cũng đã từng trồng rong sụn, có năm một vụ tôi thu lợi đến 80 triệu đồng. Nhờ cây rong sụn gia đình tôi thoát nghèo, đóng được thuyền đi biển. Nhưng vài năm trở lại đây, cây rong sụn không cho năng suất cao, có vụ còn mất trắng, thua lỗ, nên vụ này gia đình tôi quyết định bỏ luôn". Còn anh Nguyễn Thành Đông, một người có thâm niên trồng rong sụn gần 10 năm, vừa là người thu mua, vừa cung cấp giống cho bà con trong vùng cho biết: "Với thời tiết nắng nóng như thế này nếu xuống giống không những cây rong không không phát triển được mà còn chết hết, lỗ là cái chắc. Gia đình tôi hiện cũng chỉ làm khoảng 5 sào chủ yếu là để giữ giống thôi chứ không dám làm nhiều”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sở dĩ những năm qua, cây rong không đạt sản lượng là có nhiều nguyên nhân. Trong đó một phần là do biến đổi khí hậu, nước càng ngày càng nóng, nhiệt độ, thời tiết thường thay đổi đột ngột khiến cây rong sụn không thích nghi được khi trồng xuống bị thối thân. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân như: gió mạnh làm gãy thân, cá rỉa,…làm giảm sản lượng. Để khắc phục tình trạng cây rong sụn bị gió đánh gãy, cá rỉa thân, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng rong trong lồng cho bà con các xã Phước Diêm, Phước Dinh. Với mô hình này, thay vì rong được trồng theo cách truyền thống là làm giàn buộc thân trên dây, hoặc cột đùm thì nay được trồng trong lồng, mỗi lồng có thể chứa từ 1-2 kg rong giống. Tuy nhiên theo bà con, mô hình này cũng khó có thể triển khai áp dụng rộng được vì toàn bộ chi phí lắp đặt mỗi chiếc lồng có giá 22.000 đồng. Tính ra, mỗi ha xuống 10 tấn giống, bà con phải sử dụng khoảng 10.000 chiếc lồng, như vậy chi phí cho việc đầu tư mua lồng cũng đã lên đến 220 triệu đồng. Hiện bà con rất khó khăn nên khó có thể đầu tư khoảng tiền lớn như vậy, chưa kể nếu trường hợp cây rong không cho năng suất cao chắc chắn bà con sẽ lỗ nặng.
Ngoài các yếu tố khách quan về thời tiết, khí hậu, bà con hiện muốn trồng rong sụn còn gặp phải khó khăn về giống và vốn. Chị Nguyễn Thị Hồng Diễm cho biết thêm: Do vụ rong vừa qua bà con bị thất thu nên hiện nay địa phương đang thiếu giống. Nếu bà con muốn trồng chắc chắn phải ra Khánh Hòa mua giống, giá cũng cao hơn nhiều so với giống ở địa phương. Phát triển cây rong sụn là một giải pháp hữu hiệu giúp bà con vùng ven biển xóa đói giảm nghèo. Hiện nay giá rong sụn cũng đang ở mức cao. Nếu trước đây giá 1 kg rong tươi chỉ có 2.000-3.000 đồng thì nay đã lên 6.000 đồng. Rong khô đen 18.000 đồng/kg nay lên 23.000 đồng/kg; rong khô trắng 30.000 đồng/kg thì nay là 35.000 đồng/kg. Nhiều thương lái đến thu mua nhưng bà con không có hàng để bán. Vì vậy, bà con và chính quyền địa phương rất mong các ngành chức năng cần tìm ra giải pháp hỗ trợ về mặt kỹ thuật, giống, vốn giúp bà con khắc phục khó khăn trên để bà con có thể tiếp tục sản xuất cây rong sụn, góp phần cải thiện đời sống và giải quyết lao động ở địa phương.
Uyên Thu