Đề xuất ban hành nghị quyết về phát triển văn học, nghệ thuật
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chỉ rõ, trong công cuộc đổi mới đất nước, nền văn hóa Việt Nam nói chung, nền văn học, nghệ thuật Việt Nam nói riêng đã có những bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ và khá toàn diện. Tuy nhiên phải thẳng thắn thừa nhận là những thành tựu văn học - nghệ thuật đã đạt được trong 35 năm qua chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước, chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. Các tác phẩm chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện, sinh động thực tiễn công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, chưa thổi bùng lên khát vọng phát triển đất nước mạnh giàu, lòng tự hào dân tộc, ý chí độc lập, tự cường. Còn ít tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại, có sức sống lâu bền trong lòng công chúng. Trong khi những cái đẹp, cái tốt, những cái chân, thiện, mỹ chưa được cổ vũ, chưa được tiếp sức đủ mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục, lại có không ít trường hợp lạc hướng, trực tiếp hay gián tiếp sa vào việc tuyên truyền cho cái xấu, cái lệch chuẩn, lạc hậu…
PGS.TS. Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tham luận tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng này là một số lãnh đạo quản lý, các địa phương, các ngành chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa nói chung và của văn học, nghệ thuật nói riêng. “Vào thời kỳ đầu công cuộc đổi mới, điều này có thể cảm thông được, vì cả nước phải dồn góp toàn lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và cất cánh. Nhưng hôm nay, khi con em chúng ta chỉ mê mẩn xem phim Hàn Quốc hơn là phim Việt Nam; thích đọc truyện tranh Doremon hơn truyện cổ tích Việt Nam; trên sóng tivi, bất kỳ giờ nào cũng tràn lan phim nước ngoài, ít phim, nhạc Việt… lúc đó chúng ta mới bàng hoàng nhận ra “nguy cơ mất nước từ bên trong” là có thật, tuy chưa quá nghiêm trọng nhưng cũng đã ở mức đáng báo động đỏ”, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân phân tích.
Nguyên nhân tiếp theo là chưa có cơ chế phù hợp và hữu hiệu để đưa các chủ trương của Đảng, chiến lược, chính sách của Nhà nước vào cuộc sống. Nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, cho văn học, nghệ thuật nói riêng còn rất thấp; sự thiếu chủ động, năng động, sáng tạo của các tổ chức và cá nhân đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức.
Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân chính dẫn tới những hạn chế trong sự phát triển văn hóa nói chung và văn học - nghệ thuật nói riêng, Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam đề xuất cần có một nghị quyết chuyên đề mới của Bộ Chính trị về phát triển văn học - nghệ thuật Việt Nam. Chính phủ cần chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian 2016 đến nay, đồng thời ban hành chiến lược mới phù hợp hơn với tình hình mới.
Về cơ chế đầu tư và phát triển các nguồn lực, ông Đỗ Hồng Quân cho rằng, cần có sự đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng: tăng cường các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước kết hợp với vận động xã hội hóa, sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp về tài chính, cơ sở vật chất, đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt là chăm lo đến sự phát triển của đội ngũ văn nghệ sỹ.
Xử lý nghiêm hành vi làm “ô nhiễm” môi trường văn hóa
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Với tham luận “Xây dựng môi trường văn hóa - nhiệm vụ quan trọng trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay”, ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch khẳng định, môi trường văn hóa vừa là sản phẩm do con người tạo ra nhưng đồng thời cũng tác động đến sự phát triển con người và xã hội. Đối với quá trình xây dựng và phát triển con người, môi trường văn hóa có vai trò hết sức quan trọng, là nơi con người hoàn thiện nhân cách bản thân. Đối với nền văn hóa quốc gia dân tộc, môi trường văn hóa chính là nơi các hệ giá trị - yếu tố cốt lõi của bản sắc dân tộc - được hình thành, gìn giữ, kế thừa và phát huy. Đối với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, môi trường văn hóa thể hiện chiều sâu văn hóa của dân tộc, góp phần định hướng, điều chỉnh các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại theo hướng nhân văn, vì hạnh phúc của con người, vì sự cường thịnh, phồn vinh của đất nước.
Theo ông Lương Đức Thắng, công tác xây dựng môi trường văn hóa luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng với sự chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương. Các phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa được triển khai rộng khắp trên cả nước, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác xây dựng môi trường văn hóa thời gian qua cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế. Đánh giá về thực trạng này, Đảng ta chỉ rõ: “Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn; đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.”
Do đó, để phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, ông Lương Đức Thắng cho rằng, cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng môi trường văn hóa thành hệ thống luật pháp, chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Đồng thời, cần ban hành chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại những giá trị cộng đồng, làm “ô nhiễm” môi trường văn hóa. “Việc xây dựng môi trường văn hóa cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó phải có sự thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách cũng như sự phân công trách nhiệm rõ ràng trong quá trình tổ chức thực hiện”, ông Lương Đức Thắng nhấn mạnh.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tấm gương tiêu biểu, những cơ quan, đoàn thể có cách làm hay sáng tạo, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng môi trường văn hóa để lan tỏa những giá trị tốt đẹp; khuyến khích sự tham gia của người dân trong xây dựng môi trường văn hóa, sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng cũng như sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Hoàn thiện việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình
Đồng chí Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham luận tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Trong tham luận “Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới”, Tiến sỹ Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình tháng 10/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Đảng ta khẳng định, “xây dựng gia đình là vấn đề lớn hết sức hệ trọng của dân tộc và thời đại”.
Quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế đã mang lại nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để gia đình Việt Nam nâng cao thu nhập, tiếp cận kiến thức, giá trị, chuẩn mực ứng xử… Cùng với đó, sự xung đột giá trị giữa cũ - mới, truyền thống - hiện đại là một quá trình tất yếu. Hiện nay, ở không ít gia đình, sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ dành cho con cái bị suy giảm, thậm chí có những gia đình còn khoán việc giáo dục nhân cách, lối sống của con mình cho nhà trường, xã hội. Bản thân các thành viên trong gia đình không hình thành được lối sống gương mẫu cho thế hệ trẻ, không duy trì được nền tảng, giá trị đạo đức trong các hành vi ứng xử. Điều đó khiến quá trình hình thành, phát triển nhân cách của trẻ em bị ảnh hưởng tiêu cực...
Để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, Tiến sỹ Trần Tuyết Ánh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần có những hành động cụ thể, quyết liệt nhằm xây dựng gia đình Việt Nam đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về gia đình, thống nhất Ban Chỉ đạo công tác gia đình từ Trung ương đến cơ sở để phát huy vai trò điều phối liên ngành, thực hiện các nhiệm vụ phối hợp liên ngành giữa các cơ quan Trung ương và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được quy định, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, cần đổi mới và hoàn thiện việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, kết hợp với nhà trường, xã hội; phát huy vai trò bảo tồn, nuôi dưỡng, lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc từ gia đình, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng gắn với các phong trào thi đua sôi nổi, nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp...
Theo TTXVN/Báo Tin tức