Điểm nổi bật có yếu tố quyết định trong công tác thu hút nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục chính là sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 10/NQ-TU ngày 14-10-2016 về huy động nguồn lực ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Sở GD&ĐT đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, xây dựng đề án và trình UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời, tổ chức huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa mang tính ổn định, bền vững.
Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đang trong giai đoạn thi công. Ảnh: T.D
Trong giai đoạn 2016-2020, Sở GD&ĐT được giao vốn thực hiện 17 công trình, với 134 phòng học được xây mới tập trung cho cấp học mầm non và trường tiểu học tại các xã vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Các nguồn vốn đầu tư sau khi phân bổ được quản lý, sử dụng đúng mục đích, hầu hết công trình thi công đạt tiến độ đề ra; nhờ đó, đến nay 100% công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, giúp các địa phương từng bước hoàn thiện mạng lưới trường học trên địa bàn. Đáng ghi nhận hơn, trong điều kiện ngân sách nhà nước, của tỉnh còn hạn hẹp, ngành Giáo dục đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án một số chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở thực hiện xã hội hóa hoạt động trong lĩnh vực GD&ĐT tỉnh giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030. Thông qua công tác kêu gọi xã hội hóa, số vốn hỗ trợ, đầu tư cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đạt 582,8 tỷ đồng; trong đó, thu hút các doanh nghiệp tham gia triển khai 11 dự án xây dựng trường học, với tổng vốn đăng ký trên 361 tỷ đồng; huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tu sửa trường lớp, xây dựng phòng chức năng, nhà công vụ... đạt 221,5 tỷ đồng. Điển hình như dự án Trường Liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool Ninh Thuận, có tổng vốn đầu tư 134,8 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển học đường Quốc tế làm chủ đầu tư, năm 2017 sau khi hoàn thành, tạo điều kiện học tập cho 1.200 học sinh mỗi năm... Sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã giảm bớt khó khăn về thiếu phòng học, nâng cao chất lượng giáo dục theo chiều sâu.
Trường THPT Phan Bội Châu (Thuận Bắc) được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh địa phương.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương, cùng với nỗ lực phấn đấu của toàn ngành Giáo dục, công tác thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục đạt nhiều kết quả tích cực. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 133/304 trường đạt chuẩn quốc gia; có 65/65 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học; chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt ở tất cả các cấp học.
Trên cơ sở dự báo về tình hình phát triển GD&ĐT, sự gia tăng cơ học số lượng học sinh đang độ tuổi đến trường ở các địa phương, trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư xây dựng, kiên cố hóa trường lớp là hơn 2.142 tỷ đồng. Theo đồng chí Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở GD&ĐT, cùng với việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, ngành Giáo dục tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp. Cùng với đó, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ trung ương, tăng cường huy động nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế để tập trung ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở vật chất, nhất là ở những khu vực miền núi, vùng bãi ngang ven biển và vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh.
Hồng Lâm