Vụ việc một học sinh tiểu học tại Hà Nội bị điện giật tử vong tại nhà khi học trực tuyến vừa qua khiến nhiều phụ huynh lo lắng về vấn đề đảm bảo an toàn điện cho trẻ trong quá trình học. Anh Nguyễn Văn Nam, kỹ sư điện ở phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cho rằng, người lớn cần chủ động trong việc phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra cho trẻ. Việc lắp đặt, kết nối thiết bị học tập tại nhà phải được phụ huynh thực hiện đúng cách, phù hợp và thuận lợi cho con. Song song đó, cần hướng dẫn các cháu một số nguyên tắc chung về an toàn điện như: Khi cắm sạc vào ổ điện, tay phải khô, chân phải đi dép và tuyệt đối không được cầm trên tay các dụng cụ học tập bằng kim loại như kéo, compa...; tránh làm đổ nước vào thiết bị học tập gây chập điện. Đối với trẻ, để tránh rủi ro, tốt nhất nên dùng băng keo dán kín ổ điện khi không dùng đến; nếu thấy dây điện bị sờn, hở, chạm, chập... phải báo ngay cho người lớn, không được dùng ngón tay hay que đâm, chọc vào các ổ cắm.
Phụ huynh nên thường xuyên kiểm tra hoặc ngồi học cùng con để đảm bảo trẻ học trực tuyến an toàn, hiệu quả.
Việc sử dụng các thiết bị công nghệ khi học trực tuyến như máy tính bàn, máy tính bảng, laptop, điện thoại cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro nếu không dùng đúng cách. Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hưng, Phó Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận khuyến cáo: Để tiết kiệm chi phí, không ít phụ huynh tận dụng điện thoại, laptop cũ cho con học trực tuyến. Đối với các thiết bị đã qua sử dụng lâu năm, ngoài xem xét cấu hình, nên kiểm tra kỹ pin và bộ dây sạc. Về dây sạc nên xem có hở, đứt ở đâu hay không, nếu có nên lập tức thay mới. Pin của laptop, máy tính bảng có tuổi thọ từ 12-24 tháng là bắt đầu giảm hiệu suất, từ 5 năm trở lên pin sẽ bị chai, nếu có điều kiện nên thay pin, dù có thể tốn một ít chi phí nhưng sẽ đảm bảo an toàn. Phụ huynh cũng cần lưu ý không nên sử dụng điện thoại, máy tính để học tập liên tục trong lúc cắm nguồn sạc pin vì ở một số dòng điện thoại, pin laptop quá hạn, việc vừa sạc, vừa dùng, nhất là học trong thời gian dài sẽ tạo áp lực lớn lên pin khiến pin dễ nóng, phồng hay thậm chí phát nổ.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Lam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Sơn cho biết: Học sinh bậc tiểu học thường hiếu động, thích khám phá, lại chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng tự bảo vệ mình, vì vậy, để các em làm quen, thích nghi với môi trường học mới một cách an toàn, hiệu quả, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên nhắc nhở giáo viên ngoài việc dạy kiến thức trong chương trình sách giáo khoa cần cập nhật, trang bị thêm kiến thức về điện, điện tử để hướng dẫn, cảnh báo các em trước mỗi giờ học. Khi được nhắc nhở thường xuyên sẽ trở thành nhận thức, kỹ năng cho các em. Ở nhà, phụ huynh cũng cần phải giám sát chặt chẽ, chỉ dẫn các kỹ năng an toàn cho con em mình khi học online bởi nguy cơ tai nạn điện luôn tiềm ẩn, nhất là khi trẻ sử dụng các thiết bị điện tử một mình.
Minh Thương