Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giai đoạn 2016-2020 tỉnh đã huy động nguồn lực triển khai 14 dự án hạ tầng thủy lợi với tổng vốn đầu tư hơn 9.247,6 tỷ đồng; trong đó, có 6 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, 6 dự án đang triển khai thực hiện và 2 dự án đang đề xuất chủ trương đầu tư. Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã nâng diện tích chủ động tưới toàn tỉnh lên 60%, cải tạo môi trường sinh thái, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai; giúp Nhân dân trong vùng dự án có điều kiện khai thác hết diện tích đất có khả năng sản xuất nông nghiệp từ 2-3 vụ/năm. Tiêu biểu như Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã góp phần giải quyết bài toán an ninh nguồn nước cho tỉnh. Dự án có tổng mức đầu tư gần 5.240 tỷ đồng, đã thi công hoàn thành hạng mục công trình đầu mối hồ chứa nước Sông Cái; đập dâng, kênh chính Tân Mỹ. Đây là công trình có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng cho phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư trên địa bàn tỉnh, dung tích trữ nước lớn hơn tổng 21 hồ chứa nước hiện có của tỉnh (219 triệu m3).
Hồ chứa nước Kiền Kiền ở xã Lợi Hải (Thuận Bắc) được triển khai xây dựng.
Điều đáng ghi nhận, các dự án hạ tầng thủy lợi được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không những cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, mà còn góp phần phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, chống sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạnh cho Nhân dân trong mùa mưa bão; ngăn chặn xâm nhập mặn, giữ nước ngọt do xâm nhập thủy triều, góp phần chống hạn. Đơn cử, dự án Đập hạ lưu sông Dinh, tổng mức đầu tư 691,498 tỷ đồng khánh thành vào trung tuần tháng 10-2020, hiện đang tiếp tục triển khai hạng mục bổ sung tuyến kè bảo vệ bờ Nam, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Công trình đưa vào sử dụng đã giữ ngọt do ảnh hưởng của thủy triều đối với toàn bộ lưu vực Sông Dinh, cải thiện môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.
Đối với các dự án đang triển khai cũng được đẩy nhanh tiến độ như Dự án Hồ chứa nước Sông Than tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, đến nay khối lượng thực hiện ước đạt 46%, Dự án Hồ chứa nước Kiền Kiền tổng mức đầu tư 291,488 tỷ đồng, khối lượng thực hiện giai đoạn 1 ước đạt 40%. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, việc triển khai các dự án hạ tầng thủy lợi cơ bản thuận lợi nhờ có sự đồng thuận cao của Nhân dân, nhất là các hộ nằm trong vùng hưởng lợi của dự án. Tuy nhiên, có một số dự án gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, vốn bố trí thực hiện dự án chưa kịp thời, các chủ đầu tư được giao nhiệm vụ chưa phát huy hết năng lực, đơn vị thi công chưa tập trung đầy đủ nhân lực, vật lực thi công công trình dẫn đến tiến độ thi công công trình chậm so với kế hoạch. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả những dự án đang triển khai, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng hành với nhà thầu giải quyết những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình.
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Quy hoạch thủy lợi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thích ứng với biến đổi khí hậu được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 321/QĐ-UBND ngày 19-9-2018 đã được nghiên cứu tương đối toàn diện, tổng thể, gồm: Cấp nước cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt nông thôn, tiêu thoát lũ và phòng, chống xâm nhập mặn. Đồng thời, tính toán xác định, điều chỉnh lại nhiệm vụ của từng công trình hiện trạng theo thực tế, đề xuất các giải pháp kết nối liên thông các hồ chứa, khu tưới. Để tiếp tục triển khai đồng bộ các dự án hạ tầng thủy lợi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu nguồn nước cho các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương xem xét bố trí vốn kịp thời các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030; sớm xem xét đầu tư xây dựng tuyến đường ống chính nối tiếp từ điểm cuối kênh chính Tân Mỹ và các đường ống nhánh cấp nước cho hồ Bà Râu, hồ Sông Trâu và tuyến đường kênh chính, đường ống cấp 1, cấp 2 cấp nước cho hệ thống khu tưới hồ Sông Than và tiếp nước cho hồ Lanh Ra, Tà Ranh và Bàu Zôn và tạo nguồn để cấp nước cho Khu công nghiệp Cà Ná đang là yêu cầu cần thiết và cấp bách.
Có thể nói, việc chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng thủy lợi là định hướng đúng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Qua đó, tạo thuận lợi để hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; đồng thời là động lực để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Tuấn Anh