Nếu như trước đây vào vụ canh tác, nông dân phải mất nhiều thời gian và công sức từ khâu làm đất, gieo trồng cho đến thu hoạch thì nay một số công đoạn đã được ứng dụng cơ giới hóa, giảm chi phí và công sức lao động. Gia đình anh Chamaléa Ninh ở thôn Suối Khô (xã Phước Chính) sản xuất 5 sào lúa, nhờ có máy cày nên rút ngắn được thời gian làm đất, đến kỳ thu hoạch có máy gặt, nhờ đó giúp giảm chi phí nhân công và tiến độ cũng nhanh hơn, giảm thất thoát sau thu hoạch.
Nông dân xã Phước Chính sử dụng máy cày đất chuẩn bị xuống giống lúa vụ mùa.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Bác Ái có trên 200 máy cày các loại, máy xới đất, máy gặt. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất đối với các loại cây trồng chính như lúa, bắp, mía, mì... từ các khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển đạt trên 90%. Để đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, huyện tạo mọi điều kiện, khuyến khích tập thể, cá nhân vay vốn mua sắm nông cụ. Anh Katơr Hồng ở thôn Suối Rớ (xã Phước Chính), chia sẻ: Hiện nay sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải có máy móc mới kịp thời vụ. Đầu năm 2020 tôi quyết định bán 1 con bò giống và vay thêm 20 triệu đồng để mua một chiếc máy cày đất về làm dịch vụ. Hiện nay đang bước vào vụ mùa, máy cày của tôi hoạt động hết công xuất, giúp gia đình có thêm thu nhập.
Việc nông dân đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp đã giúp nhiều vùng canh tác khó khăn của các xã Phước Đại, Phước Chính, Phước Tiến, Phước Thắng... có sự đổi thay toàn diện. Ông Quảng Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Phước Chính, cho biết: Nhờ các phương tiện máy móc đã giúp xã triển khai có hiệu quả mô hình cánh đồng lớn với diện tích gần 30 ha. Qua 4 vụ sản xuất, từ khâu làm đất, gieo giống, thu hoạch đều được thực hiện bằng máy móc, giảm được nhiều chi phí.
Việc nông dân đưa cơ giới vào sản xuất ở huyện Bác Ái đã giúp tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Kha Hân