Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc miền núi giai đoạn 2016-2020, lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trên địa bàn tỉnh chuyển biến, đạt nhiều kết quả quan trọng. Đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững, tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp.
Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg và Quyết định số 103/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta có 37 xã, với 124 thôn, khu phố thuộc vùng đồng bào DTTS&MN. Ngoài ra, có 8 thôn vùng đồng bào DTTS&MN không thuộc 2 Quyết định trên. Trong 5 năm qua, bám sát nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TU, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên tại các đơn vị, địa phương ở vùng đồng bào DTTS&MN. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng, triển khai có hiệu quả về chính sách dân tộc, các nghị quyết, đề án của tỉnh theo quan điểm lấy “dân làm gốc”; tăng cường sự đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân để tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, kịp thời giải quyết kiến nghị chính đáng của Nhân dân.
Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được đầu tư thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển. Ảnh: Phan Bình
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, toàn tỉnh đã huy động hơn 3.045 tỷ đồng (bình quân 609 tỷ đồng/năm) đầu tư cho 476 hạng mục công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH vùng miền núi. Từ đó, góp phần giải quyết những khó khăn trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất; thúc đẩy KT-XH phát triển, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi; nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho Nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN. Đến nay, vùng miền núi được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng cấp điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% thôn có lưới điện quốc gia và trên 98% số hộ dân có điện thắp sáng; 98% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Đời sống Nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 29,21 triệu đồng/người/năm; có 7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 58,33%).
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; hỗ trợ sản xuất, giao rừng khoán quản kết hợp với sinh kế được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động tăng cao; quy mô học sinh các cấp học tiếp tục duy trì, chất lượng giáo dục được nâng lên; chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được nâng lên; công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS miền núi được chú trọng; xây dựng nếp sống văn minh, xóa dần các tập tục lạc hậu; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Thông qua thực hiện các chương trình chính sách, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS&MN hằng năm giảm từ 3-4% (trong đó huyện nghèo 30a Bác Ái giảm bình quân 5-6%/năm); trình độ dân trí và năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền cấp xã được nâng lên; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; đồng bào các dân tộc trong tỉnh phấn khởi trước sự đổi mới và phát triển của tỉnh nhà và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Đồng bào huyện miền núi Bác Ái được hỗ trợ vốn sản xuất chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.
Dự báo trong những năm tới, tình hình phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, quá trình đô thị hóa sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh, mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức; nhất là trong bối cảnh hiện nay còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về chính trị, kinh tế, dịch COVID-19... Do đó, trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, tỉnh xác định cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS&MN. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của trung ương, tỉnh về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS&MN gắn với việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Tập trung giải quyết tốt các vấn đề xã hội, các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm...; tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với các dịch vụ công cộng, phúc lợi xã hội, rút ngắn khoảng cách giữa khu vực thành thị với nông thôn, giữa vùng đồng bằng và vùng miền núi, giữa vùng trung tâm và vùng sâu, vùng xa. Phát động, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng, phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS&MN vững mạnh toàn diện.
Bình An