Thuận Bắc Thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội

Với việc thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ đột phá, trong 9 tháng năm 2021, huyện Thuận Bắc đã đạt 7/11 chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND huyện giao. Phát huy kết quả đạt được, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục đề ra các giải pháp thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu còn lại trong năm.

Nhìn lại quá trình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội từ đầu năm tới nay, huyện Thuận Bắc chịu tác động nhất định của nắng hạn; đặc biệt là dịch COVID-19 gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế của người dân. Nhận diện từ thực tế khó khăn trên, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND với 8 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm nhiệm vụ và 49 giải pháp chủ yếu để chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện với “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Điểm nổi bật thực hiện nhiệm vụ 9 tháng qua, đó là trong điều kiện nguồn nước tại các hồ chứa xuống thấp, do không có lượng mưa bổ sung, tuy nhiên ngành Nông nghiệp vẫn có sự tăng trưởng mạnh, với tổng diện tích gieo trồng qua 2 vụ đông - xuân và hè - thu đạt 6.614 ha, tăng gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Chính sự điều hành linh hoạt, chỉ đạo sản xuất mùa vụ sát với tình hình thời tiết, chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi nên mang lại kết quả cao, bình quân năng suất lúa đạt 62,4 tạ/ha, với tổng sản lượng 32.442 tấn, đạt 80% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, trong công tác chuyển đổi cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao như măng tây xanh, nha đam, cây ăn quả... cũng được quan tâm thực hiện, đã chuyển được 72 ha cây trồng vượt 31% kế hoạch; các chương trình hỗ trợ sản xuất tiếp tục được quan tâm, chú trọng, giúp nông dân duy trì và nhân rộng hàng chục mô hình có hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định. Đối với chăn nuôi, do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm da nổi cục, quy mô đàn trâu, bò có sự biến động, tổng đàn giảm 21%, nhưng bù lại đàn heo, đàn gia cầm tăng lên đáng kể; lượng thịt hơi xuất bán tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.

Mô hình trồng mỳ cao sản, đem lại thu nhập cho nông dân huyện Thuận Bắc.

UBND huyện tăng cường chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp cùng nhà đầu tư rà soát, đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng, các thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý đối với các dự án đang triển khai trên địa bàn. Trên tinh thần hỗ trợ tối đa, 17 dự án cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, với diện tích thu hồi trên 144 ha; trong đó, một số dự án năng lượng tái tạo đi vào vận hành thương mại tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đóng trên địa bàn có phần giảm sút; đặc biệt, do hạn chế đi lại giữa các vùng, nhiều sản phẩm chủ lực của huyện như: Xi măng, phân hữu cơ, gạch nung, nước rau câu... có số lượng hàng tồn kho tăng cao. Nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, huyện đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, đồng thời kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ để kích thích hoạt động sản xuất trở lại, tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Nhìn tổng thể có thể thấy, Thuận Bắc cơ bản đạt được mục tiêu trên một số lĩnh vực, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện. Tổng giá trị sản xuất các ngành ước đạt 6.242 tỷ đồng; trong đó ngành công nghiệp - xây dựng ước đạt 4.727 tỷ đồng, đạt 74,2% kế hoạch; ngành nông nghiệp đạt 1.125 tỷ đồng, đạt 82,8% kế hoạch; thu ngân sách 31,55 tỷ đồng, đạt 56,8% kế hoạch. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế... được quan tâm, đẩy mạnh. Các chính sách an sinh xã hội triển khai đầy đủ kịp thời; trong 9 tháng đã giải quyết việc làm cho 553 lao động, đạt 61,4% kế hoạch, tạo cơ hội thoát nghèo cho người dân trên địa bàn.

Để thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ 3 tháng còn lại trong năm 2021, theo đồng chí Phạm Trọng Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, huyện tăng cường chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án sản xuất vụ mùa sát với tình hình thời tiết, gắn với chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa theo hướng bền vững và lâu dài. Hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đang triển khai, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm tinh thần “chống dịch như chống giặc” với mục tiêu bảo vệ được “vùng xanh”; triển khai kịp thời các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách về giáo dục, y tế, an sinh xã hội...