Công tác kiểm kê đất đai, tài sản, cây cối hoa màu của các hộ dân bị ảnh hưởng phần móng trụ, hành lang tuyến tại các địa phương cơ bản đã hoàn thành. EVN đã chỉ đạo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất của các huyện hoàn thiện hồ sơ gửi UBND các xã triển khai xác nhận nguồn gốc đất, tiến hành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để gấp rút triển khai dự án, đảm bảo tiến độ hoàn thành vào tháng 12-2022.
Dự án đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, bên cạnh giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 còn có ý nghĩa rất quan trọng để giải tỏa hết công suất các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên việc đi lại thu thập các giấy tờ liên quan và tổ chức họp xét đến nay chưa triển khai được, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Một khó khăn khác, hiện tại các huyện Bác Ái, Ninh Phước chưa hoàn thiện thủ tục giá đất trình Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính thẩm định để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt. Còn một số hộ dân không tham gia kiểm kê đất, nên chưa bàn giao được mặt bằng khoảng cột nào của hành lang tuyến. Liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đoạn tuyến có 27 vị trí qua rừng tự nhiên, 14 vị trí qua rừng trồng phòng hộ. EVNNPT, CPMB đã hoàn thiện báo cáo công tác kiểm kê, đánh giá hiện trạng rừng phần móng trụ, đường tạm thi công và đã trình thẩm định kết quả đánh giá hiện trạng rừng qua địa bàn. Hiện nay, ngành chức năng, các địa phương đã tổ chức thẩm tra thực địa và họp thống nhất số liệu để báo cáo UBND tỉnh.
Tại buổi làm việc trực tuyến với đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vào ngày 10-9 vừa qua, ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN, nhấn mạnh: Tỉnh Ninh Thuận hiện nay có 3.460 MW nguồn điện năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời và điện gió cần giải tỏa lên hệ thống truyền tải điện. EVN đang đầu tư Dự án đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, bên cạnh giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 còn có ý nghĩa rất quan trọng để giải tỏa hết công suất các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Do tiến độ cấp bách của dự án, nên EVN đã phân công Tổng Giám đốc EVNNPT và Giám đốc CPMB có mặt thường xuyên tại Ninh Thuận để chủ động làm việc với các sở, ngành, chính quyền các huyện, xã, nhằm kịp thời gỡ vướng mắc. Để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo kế hoạch, EVN kiến nghị UBND tỉnh bàn giao mặt bằng cơ bản các vị trí móng từ tháng 9-2021 đến tháng 12-2021, vận động bàn giao các khoảng cột từ tháng 1-2022 đến tháng 6-2022. Khi tỉnh Ninh Thuận hoàn thành bàn giao mặt bằng vị trí móng vào khoảng cột nào, EVN sẽ tổ chức thi công cuốn chiếu ngay để đảm bảo tiến độ.
EVN cũng đã kiến nghị UBND các huyện có đường dây đi qua khẩn trương tổ chức xác minh nguồn gốc đất dứt điểm trước ngày 20-9-2021; lập phương án bồi thường, phê duyệt chi trả tiền cho các hộ có đất nằm trong diện giải tỏa chậm nhất trong tháng 10-2021. Song song với quá trình lập thủ tục hồ sơ phương án bồi thường và do tính cấp bách của dự án, Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện áp giá sơ bộ giá trị đền bù của các hộ dân để cùng phối hợp với UBND xã, CPMB, đơn vị thi công làm việc, vận động các hộ dân nhận tiền tạm ứng để bàn giao mặt bằng thi công.
Trường hợp chính quyền địa phương các cấp, CPMB đã thực hiện đầy đủ và đúng quy định của pháp luật về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng các tổ chức, hộ dân vẫn cố tình cản trở, chống đối và không thực hiện việc bàn giao mặt bằng theo quy định, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện và các đơn vị liên quan phối hợp với CPMB lập phương án và tổ chức lực lượng bảo vệ, hỗ trợ an ninh trật tự để đơn vị thi công triển khai công việc, nhất là trong giai đoạn gấp rút hiện nay. Đối với thủ tục xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, CPMB kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sớm tổ chức họp thống nhất số liệu để báo cáo UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng trong tháng 9-2021.
Trước các kiến nghị của EVN, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận phát triển rất nhiều dự án năng lượng tạo và đã được EVN, các đơn vị trực thuộc vào cuộc quyết liệt để nhanh chóng triển khai các dự án truyền tải để giải tỏa công suất các nhà máy, qua đó tăng nguồn phát điện, tăng thu ngân sách cho tỉnh. Đối với Dự án đường dây 500kV Vân Phong - Thuận Nam là dự án mang tầm quốc gia, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước, trong đó có tỉnh Ninh Thuận. Chính vì thế, những đề xuất kiến nghị của EVN, tỉnh đồng ý chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh vào cuộc quyết liệt. Giao Sở NN&PTNT sớm trình UBND tỉnh phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để tỉnh phê duyệt báo cáo Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan trước ngày 20-9-2021. Sở Tài nguyên và Môi trường cần nhanh chóng xem xét tham mưu cho tỉnh mức bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp trong hành lang tuyến.
Về thủ tục giá đất tại huyện Bác Ái và Ninh Phước, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trước ngày 20-9 phải hoàn thành thủ tục trình các sở liên quan để các sở trình UBND tỉnh phê duyệt. Để đảm bảo tiến độ dự án, yêu cầu Sở Công Thương chủ trì thành lập tổ công các với thành phần là các sở, ngành, địa phương liên quan để hỗ trợ, kiểm soát và giao ban thường xuyên, giải quyết các vướng mắc, tích cực vận động Nhân dân bàn giao mặt bằng cho EVN. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc cần báo cáo lãnh đạo tỉnh ngay để kịp thời tháo gỡ. Tỉnh đặt ra quyết tâm cao nhất, hỗ trợ tối đa EVN để hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Xuân Tiến