Những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cuộc vận động, người dân trên địa bàn tỉnh ta đã dần thay đổi thói quen tiêu dùng, ưu tiên mua sắm, sử dụng các mặt hàng do Việt Nam sản xuất. Trong thời điểm hiện nay, khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc người dân trên địa bàn tỉnh ưu tiên sử dụng các mặt hàng sản xuất trong nước rất quan trọng, vừa tiết kiệm chi tiêu, vừa góp phần chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp (DN). Không chỉ cá nhân, hộ gia đình, nhiều đơn vị, tổ chức, DN trong tỉnh cũng ưu tiên mua sắm, sử dụng trang thiết bị, hàng hóa có thương hiệu uy tín trong nước. Đặc biệt tại các chợ, cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị đã ưu tiên lựa chọn hàng sản xuất trong nước để cung ứng tới người tiêu dùng.
Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: Phan Bình
Siêu thị Co.opmart Thanh Hà luôn duy trì khoảng trên 3.000 mặt hàng các loại, trong đó hàng Việt Nam chiếm 98%. Bà Nguyễn Thị Ánh Đào, Phó Giám đốc phụ trách Siêu thị Co.opmart Thanh Hà, cho biết: Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng các mặt hàng sản xuất trong nước không có biến động về giá, lại có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm và lựa chọn. Trước diễn biến của dịch bệnh, siêu thị đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ, đảm bảo nguồn hàng đầy đủ, giá ổn định. Đồng thời, siêu thị cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá và đặt hàng trực tuyến, giao tận nhà, giúp người dân dễ dàng mua sắm và góp phần đưa hàng Việt tới tận tay người tiêu dùng.
Theo khảo sát của chúng tôi, những ngày này, tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà mặc dù lượng người mua sắm giảm hơn so với trước dịch, nhưng hầu hết người tiêu dùng đều chọn hàng Việt. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, phường Phủ Hà, cho biết: Do dịch phức tạp nên một tuần tôi chỉ đi siêu thị hai lần, nhưng các sản phẩm tôi mua dùng từ máy móc, quần áo, bột giặt hay thực phẩm đều là hàng Việt Nam, vì giá cả hợp lý, nguồn gốc rõ ràng.
Người tiêu dùng chọn mua trái cây tại Siêu thị VinMart. Ảnh: P.Bình
Không chỉ ở khu vực Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, tại xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) nơi cách trung tâm huyện 15 km, phần lớn bà con sinh sống bằng nghề nông, thu nhập còn thấp. Các sản phẩm hàng hóa được đưa đến tiêu thụ tại đây chủ yếu là hàng trong nước sản xuất, giúp bà con không phải đi xa vẫn sử dụng được hàng Việt, hầu hết bà con đều hài lòng về chất lượng và giá cả. Anh Phạm Thế Anh, ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hiện nay công việc của tôi bấp bênh, khiến việc chi tiêu phải cân nhắc kỹ càng. Sử dụng hàng Việt Nam tôi thấy phù hợp nhất vì giá cả ổn định, chất lượng thì yên tâm và có hướng dẫn sử dụng rõ ràng. Bởi nếu chọn sản phẩm không tốt, không rõ nguồn gốc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình.
Có thể thấy, đến nay, 100% các cơ quan, công sở và trên 90% người dân trên địa bàn tỉnh hình thành thói quen mua sắm hàng hóa thương hiệu Việt, góp phần cùng nhau chia sẻ khó khăn, vượt qua thời kỳ dịch bệnh. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đảm bảo, không để xảy ra hiện tượng ép giá, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Các mặt hàng thiết yếu cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, không có sự biến động lớn về giá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thực hiện 8 tháng đầu năm đạt hơn 16 tỷ đồng tăng 2,52% so cùng kỳ.
Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Hiện nay Sở đang tích cực triển khai các hoạt động thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt, Sở cũng tăng cường vận động các DN nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; hỗ trợ các DN khảo sát thị trường, quảng bá về sản phẩm, hàng hóa của các DN trên sàn giao dịch điện tử. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả người tiêu dùng và người sản xuất, động viên các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh tiêu thụ hàng Việt, cùng các DN vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Hồng Nguyệt