Kể từ Tết Trung thu độc lập đó, dù bận việc và kháng chiến còn bộn bề, gian lao, nhưng Bác vẫn dành thời gian viết thư, viết thơ mừng các em.
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Những bài thơ Tết Trung thu chan chứa tình người
Sinh thời, không có Tết Trung thu nào mà Bác kính yêu - với tình yêu thương vô bờ bến với các cháu thiếu niên, nhi đồng lại không có thư và thơ cho các cháu, hoặc vui tết cùng các cháu.
Trung thu năm 1941, Bác viết:
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan
Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng” (1)
Đặc biệt, trung thu năm 1945 - trung thu đầu tiên nước nhà giành được độc lập, chỉ trong một tuần lễ, Bác đã hai lần gửi thư cho thiếu nhi cả nước.
Bác Hồ bón cơm cho một cháu bé khi đến thăm trại nhi đồng ở chiến khu Việt Bắc (1950). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trong thư gửi ngày 17/9, Người truyền hơi ấm yêu thương vào từng câu, từng chữ, khen tặng những tiểu chủ nhân của một nước độc lập và không quên gửi tặng những cái hôn. “Các em vui cười hớn hở, Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Đố các em biết vì sao? Một là vì Già Hồ rất yêu mến các em. Hai là vì… Trung thu năm nay, nước ta đã được tự do và các em đã thành những người tiểu quốc dân của một nước độc lập…”. Cuối thư, Người gửi tới các cháu “trăm cái hôn thân ái” (2). Thật yêu thương xiết bao!
Ở bức thư thứ hai gửi ngày 22/9, Bác lại cặn dặn: “Các em phải ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng; đối với bầu bạn phải yêu kính. Các em phải thương yêu nước ta. Mong các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập tự do” (3).
Kể từ Tết Trung thu độc lập đó, dù bận việc, kháng chiến vẫn bộn bề và gian lao, nhưng chưa Trung thu nào Bác quên thơ mừng các em. Để rồi, Thơ chúc Tết Trung thu đã trở thành một trong những nét đặc sắc của thơ Bác.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, nói chuyện thân mật và chia quà cho thiếu nhi xã Tiền Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: TTXVN
Với niềm mong mỏi các cháu thiếu nhi chăm học và làm được nhiều việc tốt góp phần xây dựng và giữ gìn nền độc lập còn rất non trẻ của đất nước, Trung thu năm 1945, Bác viết:
“Bác mong các cháu “cho ngoan”,
Mai sau gìn giữ giang sơn Lạc-Hồng
Sao cho nổi tiếng Tiên-Rồng
Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam” (4)
Những vần thơ Bác viết cho thiếu niên nhi đồng thường rất đỗi giản dị, dễ hiểu, dễ thuộc mà luôn chan chứa tình yêu thương của Người. Trung thu 1951, Bác viết:
“Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng,
Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ thương” (5)
Năm 1952, vẫn tình cảm vô yêu thương vô bờ, Bác viết: "Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh?" và căn dặn các cháu: "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình", để mãi mãi xứng đáng "Cháu Bác Hồ Chí Minh" (6).
Cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cuối, quân-dân ta trên khắp các chiến trường liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng. Tết Trung thu năm 1953, Bác phấn khởi gửi thư kể tin chiến thắng, chia vui với các cháu thiếu nhi:
“Khắp nơi Nam, Bắc, Tây, Đông
Được tin thắng trận cờ hồng tung bay
Các cháu vui thay
Bác cũng vui thay
Thu sau so với thu này vui hơn” (7)
Quả đúng như vậy, ngày 7/5/1954, với chiến thắng Điện Biên Phủ, quân, dân ta đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Mùa Thu năm 1954 là mùa Thu mà một nửa đất nước đã sạch bóng quân thù - mùa Thu mà các cháu thiếu nhi thực sự được sống trong độc lập, tự do. Bác viết: “Trăng thu trong đẹp, sáng rọi khắp nơi, từ Nam đến Bắc. Cũng như lòng Bác yêu quý tất cả các cháu miền Bắc và miền Nam” và nhắn nhủ “Đến ngày Nam Bắc một nhà/các cháu xúm xít, thì ta vui lòng” (8).
Bác Hồ vui múa hát với các cháu thiếu nhi tại vườn Phủ Chủ tịch nhân Ngày quốc tế Thiếu nhi 1/6/1960. Ảnh: TTXVN
Năm 1960, Bác viết: “Nói chuyện Trung thu với các em nhi đồng”, trong đó cuối bài Bác viết: “Nhờ cách mạng Tháng Tám thành công và kháng chiến cứu nước thắng lợi, các em đã sinh trưởng trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhờ Đảng săn sóc và Đoàn giúp đỡ, các em sẽ cố gắng về mọi mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” (9). Đây là lá thư cuối cùng của Bác dành cho các cháu, vì sau này do chiến tranh và bận rộn với nhiều công việc Bác không có nhiều thời gian viết thư cho thiếu niên, nhi đồng. Nhưng sau này trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Bác vẫn không quên nhắc nhở Đảng ta là: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu thương, chăm sóc và bảo vệ thiếu nhi luôn phải đi đôi với việc giáo dục các em. Để các em thành "người chủ tương lai của nước nhà, người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh", Bác đặt ra yêu cầu thực hiện giáo dục toàn diện đối với thiếu nhi. Ngày 14/5/1961, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội thiếu niên Tiền phong, Bác gửi thư căn dặn các cháu 5 điều và sau này được Bác bổ sung hoàn chỉnh là:
“ Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.
Học tập tốt, lao động tốt.
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.
Giữ gìn vệ sinh thật tốt,
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.
Trung thu nhớ Bác
Chủ tịch Hồ Chí Minh đón các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch trong ngày Tết Trung thu năm 1961. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Là vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình thương yêu đặc biệt đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng - thế hệ tương lai của đất nước.
Người từng khẳng định: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”. Trước lúc đi xa, Bác đã “để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”.
Lòng thương yêu sâu sắc, bao la của Người đối với thiếu niên, nhi đồng không gì có thể so sánh nổi. Đó vừa là tình cảm của một lãnh tụ cách mạng kiệt xuất vừa là của người ông kính yêu vô cùng gần gũi, tràn đầy yêu thương.
Tiến sĩ Sử học, nhà báo E.V Côbêlép đã từng viết: “Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng yêu quý thiếu nhi. Người đã dành tất cả tấm lòng yêu thương của người ông cho hàng triệu trẻ em Việt Nam mà Người đã gọi trìu mến là các cháu”. Thư và thơ Trung thu của Bác không chỉ thể hiện muôn vàn tình thân yêu đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng mà còn là lời căn dặn, nhắc nhở, là niềm tin Bác dành trọn cho thế hệ trẻ.
Đã hơn 50 năm Bác đi xa, nhưng tấm lòng yêu thương và những lời dạy của Bác vẫn luôn đồng hành cùng thiếu niên, nhi đồng cả nước, là di sản văn hóa vô giá của toàn Đảng, toàn dân và của thế hệ trẻ. Thiếu niên, nhi đồng cả nước đã và đang được Đảng, Nhà nước, các đoàn thể xã hội quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; tiếp tục thi đua học tốt để xứng đáng với danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”.
----------
(1). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.240
(2). Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4, tr.15
(3). Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4, tr.26
(4). Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4, tr.245
(5). Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.7, tr.185
(6). Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.7, tr.498
(7). Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.8, tr.239
(8). Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.9, tr.52
(9). Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.12, tr.699
Theo TTXVN/Báo Tin tức