Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Ninh Thuận từng bước lớn mạnh

Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-12-2011 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; những năm qua, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp của tỉnh phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng; quy mô và phạm vi hoạt động của doanh nghiệp ngày càng mở rộng, nhiều doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.

Trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh ta đã thành lập mới 3.758 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 47.979 tỷ đồng; tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đến ngày 31/12/2020, có 3.669 doanh nghiệp, với vốn đăng ký 69.714 tỷ đồng, tăng hơn 7,6 lần số doanh nghiệp và số vốn tăng gấp 2,9 lần so năm 2010. Quy mô vốn của doanh nghiệp tăng khá, bình quân 19 tỷ đồng/01 DN, tăng 2,6 lần so năm 2010; giải quyết việc làm trên 28.300 lao động, chiếm 35,8% lực lượng lao động trong các cơ sở kinh tế; đóng góp khoảng 77% tổng thu ngân sách, trên 47% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và hơn 30% GRDP của tỉnh. Ngoài ra còn có 502 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nhân, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm Yến sào Phan Rang tại Trung tâm giới thiệu,
trưng bày các sản phẩm khoa học công nghệ, sản phẩm đặc thù của tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ

Đội ngũ doanh nhân tỉnh Ninh Thuận hiện có trên 3.500 doanh nhân (chỉ tính doanh nhân là người đứng đầu doanh nghiệp). Hoạt động doanh nghiệp tiếp tục duy trì ổn định và phát triển, bước đầu có sự chuyển dịch tích cực, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có lợi thế, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, du lịch, kinh doanh bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao,... Đã hình thành một số doanh nghiệp tư nhân có quy mô vốn trên 1.000 tỷ đồng, có thương hiệu, năng lực cạnh tranh trong nước và khu vực.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Một số lĩnh vực sản xuất thiếu lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh, một số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh. Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, trong thời gian qua tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệ; duy trì và thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội và chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đối với doanh nghiệp, như: chính sách về tín dụng, chính sách về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; chính sách về bảo hiểm xã hội, lao động việc làm và những chính sách về hỗ trợ sản xuất kinh doanh khác. Do đó, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và từng bước được phục hồi.

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-12-2011 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân tỉnh ta trong thời gian tới như sau: Xây dựng đội ngũ doanh nhân tỉnh Ninh Thuận từng bước lớn mạnh về số lượng và nâng cao chất lượng, có tinh thần dân tộc và phẩm chất đạo đức, có văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, có đủ trình độ, năng lực để quản lý, điều hành doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh; từng bước hình thành các doanh nghiệp, doanh nhân lớn, đầu đàn của tỉnh, xây dựng thương hiệu mang tầm quốc gia, đóng góp cho quá trình phát triển nhanh và bền vững kinh tế-xã hội, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Về một số chỉ tiêu cụ thể: Tốc độ phát triển doanh nghiệp mới hằng năm đạt 11-12%; đến năm 2025 có trên 7.000 doanh nghiệp hoạt động. Tỷ trọng đóng góp của khu vực doanh nghiệp đến năm 2025 khoảng 35-40% GRDP của tỉnh. Số lao động đăng ký trong các doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2021-2025 khoảng 55.000-60.000 lao động.

Để thực thắng lợi mục tiêu và các chỉ tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 6 nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm đó là:

-Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo được sự chuyển biển mạnh mẽ nhận thức về vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh; tạo điều kiện và đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Tiếp tục tổ chức cho doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương và tỉnh phát động.

- Tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách về hỗ trợ cho phát triển doanh nghiệp để điều chỉnh, hoặc đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển; vận dụng cơ chế, chính sách của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, mặt bằng sản xuất, tiếp cận đất đai, đổi mới nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật, liên kết, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoá; phát triển nguồn nhân lực... Tiếp tục hướng dẫn hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

- Vận động đội ngũ doanh nhân gương mẫu chấp hành, thực hiện tốt các quy định của pháp luật; tăng cường gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt thông tin để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; nâng cao vai trò của doanh nhân doanh nghiệp. Đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, xây dựng hình ảnh doanh nhân năng động, sáng tạo, quan tâm đến người lao động, có trách nhiệm với cộng đồng xã hội.

- Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tăng cường liên kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp, gắn đào tạo của nhà trường với yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội theo hướng nâng cao tính thực tiễn và khả năng thực hành của học viên; khuyến khích doanh nhân tham gia đầu tư và giảng dạy trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp để phát huy tốt vai trò đại diện cho đội ngũ doanh nhân tham gia vào xây dựng, triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Các cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới; chú trọng củng cố và thành lập tổ chức đảng, đoàn thể, phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các loại hình doanh nghiệp; đồng thời, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phục vụ lợi ích của doanh nghiệp và người lao động; tổ chức, tạo điều kiện cho doanh nhân tham gia ý kiến giám sát, phản biện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là những cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến doanh nhân, doanh nghiệp. Chủ động, sâu sát, nắm chắc tình hình tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn, vướng mắc, để có các giải pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nhân, doanh nghiệp.