Điều chỉnh về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc: Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH đã nêu rõ người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH thì tham gia BHXH bắt buộc theo đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH. Như vậy, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà đồng thời là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc theo nhóm đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng. Đây là một quy định hoàn toàn mới mà trước đó Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH chưa đề cập.
Mức hưởng ốm đau tối đa khi nghỉ lẻ tháng: Theo quy định tại điểm b Điều 6 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH, trường hợp thời gian nghỉ ốm đau có ngày lẻ không trọn tháng thì mức hưởng cho những ngày này được tính như sau: Mức hưởng ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày = Tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc: 24 ngày x Tỷ lệ hưởng (%) x Số ngày nghỉ.
Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH vẫn tiếp tục kế thừa quy định này, đồng thời bổ sung quy định về mức hưởng tối đa khi tính theo công thức này. Ngoài ra, theo Thông tư mới này, mức hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc bị ốm đau, tai nạn (không phải tai nạn lao động) hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi trong thời gian từ 14 ngày làm việc trở lên: Được tính trên mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (trước đây được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của chính tháng đó).
Trường hợp các tháng liền kề tiếp theo vẫn tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc thì mức hưởng được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (bổ sung mới).
Thay đổi về tiền lương tính hưởng chế độ ốm đau: Căn cứ khoản 3 Điều 1 Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH, người lao động tham gia BHXH bắt buộc khi bị ốm đau, tai nạn (không phải tai nạn lao động), nghỉ việc chăm con dưới 7 tuổi ốm từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương) thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên cơ sở mức lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Thậm chí nếu các tháng liền kề tiếp theo người lao động vẫn tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Trước ngày 1-9-2021: Mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của chính tháng người lao động nghỉ ốm đau.
Liên quan đến chi trả lương hưu, trợ cấp, thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh sẽ phối hợp với Bưu điện tỉnh chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 9 và 10-2021 vào cùng một kỳ chi trả. Căn cứ vào diễn biến tình hình dịch COVID-19 của từng địa phương, BHXH tỉnh sẽ xây dựng phương án tổ chức chi trả cho người hưởng nhận bằng tiền mặt đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo đúng mục tiêu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây là lần thứ tư trong năm 2021, trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã chủ động, linh hoạt phối hợp cùng ngành Bưu điện tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH gộp 2 tháng vào cùng một kỳ chi trả (trước đó có kỳ chi trả gộp tháng 3-4/2021; tháng 5-6/2021 và tháng 7-8/2021) để đảm bảo quyền lợi cho người hưởng được đầy đủ, kịp thời, đồng thời góp phần đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, ngành cũng đã đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và người lao động, như: Chủ động, tích cực xây dựng quy trình, điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ nhằm bổ sung các chức năng, đáp ứng kịp thời việc triển khai các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/CP của Chính phủ, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tốt nhất trong bối cảnh dịch COVID-19...
Bình An