Để tìm ra một phương thức khác giúp nông dân bảo vệ vườn táo khỏi ruồi đục quả mà vẫn đảm bảo sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, năm 2020, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nha Hố đã nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu quản lý tổng hợp ruồi đục quả và một số sâu bệnh hại chính trên cây táo Ninh Thuận và một số tỉnh Nam Trung Bộ”.
Cán bộ Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố kiểm tra vườn táo canh tác
theo quy trình quản lý tổng hợp ruồi đục quả.
Song song với quá trình nghiên cứu, lần đầu tiên, một mô hình trồng táo theo quy trình quản lý tổng hợp ruồi đục quả và một số sâu bệnh hại trên cây táo được tiến hành trồng thử nghiệm trên diện tích 1 ha ngay tại Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố. TN01 và TN05 là 2 giống táo được chọn để trồng thử nghiệm cho mô hình này. Đây là 2 giống táo mới do Viện nghiên cứu chọn tạo, cho trái to, đạt từ 200-250 gam/trái, sinh trưởng và phát triển tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh. Toàn bộ 1 ha táo được màn lưới che chắn giúp ngăn chặn côn trùng và ruồi vàng xâm nhập đục quả; kết hợp với sử dụng các loại bẫy pheromone, bẫy dính, bẫy đèn, bẫy thức ăn để tiêu diệt các loại sâu hại, hạn chế việc phun thuốc bảo vệ thực vật. Màn lưới còn giúp cản bớt ánh sáng mặt trời chiếu vào quả táo, bảo vệ quả bớt bị nám vỏ và sậm màu, hạn chế mưa gió gây rụng quả; đồng thời không lo ngại côn trùng xâm nhập nên thời gian để táo chín lâu hơn, chất lượng quả táo ngon hơn, giá bán cũng cao hơn. Ngoài ra, để hạn chế sự phát triển của cỏ dại, bên dưới vườn táo còn được phủ bạt đất chống cỏ, kết hợp trồng các loại cây họ đậu vừa ngăn cỏ mọc vừa tạo thêm thu nhập cho nông dân; quan trọng hơn là giúp cải tạo đất, giữ đất luôn tơi xốp, tăng khả năng đậu quả cho cây táo và hạn chế hiện tượng nứt quả khi thu hoạch.
Sau 14 tháng trồng thử nghiệm và cho thu hoạch, hầu như 100% trái táo của mô hình không bị sâu bệnh làm hư trái, người trồng hoàn toàn có thể kiểm soát được ruồi đục quả trên cây táo mà không cần phải phun thuốc bảo vệ thực vật để trừ ruồi. Tiến sĩ Mai Văn Hào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố cho biết: Qua thực hiện mô hình trồng táo theo quy trình quản lý tổng hợp ruồi đục quả và một số sâu bệnh hại trên cây táo tại Viện với quy mô lớn đã cho hiệu quả rất tốt. Cây táo cho năng suất cao và chất lượng quả đẹp, đặc biệt là nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Thời gian tới, Viện sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn chuyển giao, nhân rộng cho nông dân các địa phương trong tỉnh ứng dụng sản xuất theo mô hình này nhằm mở rộng diện tích canh tác táo theo hướng hữu cơ, góp phần khẳng định thương hiệu táo Ninh Thuận, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.
Minh Thương