Xã Phước Hà có địa hình chủ yếu là đồi núi nên việc lựa chọn giống cây trồng thích hợp thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương là thách thức không nhỏ. Để giúp nông dân phát triển sản xuất theo hướng bền vững, năm 2018, huyện Thuận Nam đã hỗ trợ 47 nông hộ ở thôn Tân Hà và thôn Là A, xã Phước Hà triển khai mô hình trồng mít Thái với diện tích 15,5 ha. Để thực hiện hiệu quả mô hình, huyện đã đầu tư đường vào khu sản xuất, hệ thống kênh mương nội đồng. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 70% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mít Thái. Nhờ đó, sau hơn 3 năm triển khai mô hình cho hiệu quả bước đầu, giúp các hộ dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Nông dân xã Phước Hà thực hiện mô hình trồng mít Thái bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Là người tiên phong thực hiện mô hình, ông Tà Yên Liết, thôn Là A, cho biết: Trước đây 5 sào đất rẫy tôi trồng bắp, đậu nhưng năng suất, khi được xã vận động tham gia mô hình, tôi đã cải tạo lại toàn bộ đất rẫy chuyển sang trồng mít Thái. Sau hơn 3 năm trồng và chăm sóc, cho thấy loại cây trồng này rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây, nên cây mít Thái phát triển tốt và đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Với giá bán cho thương lái 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu về được trên 40 triệu đồng.
Theo đánh giá của UBND xã Phước Hà, bước đầu mô hình trồng mít Thái mang lại hiệu quả, năng suất ước đạt bình quân đạt 10 tấn/ha. Theo tính toán, bình quân mỗi năm hộ trồng 1 ha mít Thái thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Thời gian tới, xã tiếp tục nhân rộng mô hình, nhằm đa dạng hóa các loại cây trồng, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ông Khưu Lê Khắc Trí, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam, cho biết: Việc triển khai mô hình trồng mít Thái không chỉ giúp xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu khô hạn; lựa chọn các loại giống cây trồng có tiềm năng, thế mạnh gắn với thị trường tiệu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn góp phần vào phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Đặc biệt, giúp người dân trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác, nâng cao hiệu quả kinh tế. Từ đó, góp phần hình thành những vườn cây ăn quả chuyên canh trên địa bàn. Thành công của mô hình sẽ là tiền đề, tạo động lực để huyện tiếp tục triển khai mô hình thêm 30 ha trong thời gian tới. Đồng thời, thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ người dân đầu tư phát triển cây mít; đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp trong đầu tư, tiêu thụ mít cho người dân, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Tiến Mạnh