Điểm nổi bật trong việc chuyển đổi cây trồng thích ứng với BĐKH ở Thuận Bắc chính là sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó BĐKH đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Huyện ủy đã tổ chức học tập, quán triệt nội dung của nghị quyết, ban hành kế hoạch chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động chuyển đổi cây trồng. Ngoài ra, hằng năm UBND huyện đều xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp cụ thể cho từng vùng, xác định loại cây trồng cạn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, giao chỉ tiêu cho các xã thực hiện và tổ chức đánh giá kết quả để làm cơ sở nhân rộng.
Nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) thu hoạch ớt.
Qua thời gian triển khai thực hiện, chủ trương chuyển đổi cây trồng thích nghi với nắng hạn đã thực sự đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa sâu rộng được nông dân đón nhận và sản xuất đại trà. Chị Lê Thị Nhiên, thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, chia sẻ: Với 2,3 sào đất canh tác, thay vì “độc canh” cây lúa không mang lại hiệu quả, tôi quyết định chuyển sang trồng luân canh cây đậu phộng - ớt từ nhiều năm nay, mỗi lần thu hoạch đều cho thu nhập ổn định hơn so với trồng lúa.
Do đặc điểm sinh trưởng ngắn, dễ chăm sóc lại sử dụng ít nước, nhiều hộ sản xuất quanh khu vực cũng lựa chọn cây ngắn ngày để thay thế cây lúa. Đáng chú ý ngoài duy trì các loại cây trồng chuyển đổi truyền thống, trên địa bàn huyện còn hình thành vùng chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Đơn cử như hộ anh Nguyễn Mạnh Thìn, thôn Kiền Kiền 1, xã Lợi Hải chuyển 1,2 sào lúa sang trồng măng tây xanh tại cánh đồng Rẫy Sở, mỗi ngày cho thu hoạch khoảng 5 kg, được Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận thu mua 50.000 đồng/kg, anh thu lãi trên 200.000 đồng/ngày. Với khả năng thích nghi tốt trong điều kiện nắng hạn, từ vài sào măng tây xanh trồng thí điểm ở xã Lợi Hải nay đã nhân rộng ra xã Bắc Phong, Bắc Sơn với trên 13 ha, khoảng 32 nông hộ tham gia trồng. Đặc biệt, vụ hè- thu năm nay, nông dân thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn được Công ty Cổ phần Cánh Đồng Việt liên kết trồng 15 ha cây nha đam, đây được xem là mô hình mới, có nhiều triển vọng. Anh Sầm Văn Tim, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, cho biết: Hiện tại, diện tích gieo trồng nha đam được 5 ha, cây đang phát triển tốt, phấn đấu đến cuối năm nay sẽ xuống giống hoàn thành theo kế hoạch.
Từ đầu năm đến nay, huyện Thuận Bắc thực hiện chuyển đổi cây trồng được 65,5 ha, đạt 119% kế hoạch; trong đó, chuyển đổi ổn định lâu dài 34,4 ha, luân canh cây ngắn ngày 31 ha; nâng tổng diện tích chuyển đổi toàn huyện hiện lên 497 ha. Qua đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ áp dụng đồng bộ kỹ thuật trong sản xuất, thu nhập cây bắp tăng 1,3 lần; cây đậu phộng, cây dưa tăng từ 2 đến 2,5 lần; măng tây xanh tăng 4,5 lần so với trồng lúa...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt trên 105 triệu đồng/ha/năm. Trên cơ sở mục tiêu đề ra, huyện Thuận Bắc tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa sang cây trồng cạn theo hướng bền vững và lâu dài, nhất là ở khu vực 3 trạm bơm. Chú trọng phát triển cây trồng đặc thù, có lợi thế của huyện; đồng thời, bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng, liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hồng Lâm