Theo số liệu thống kê, 10 năm trước đây, diện tích mía ở huyện Ninh Sơn đạt gần 4.200 ha, hiện nay giảm xuống hơn một nửa, còn khoảng 2.100 ha. Riêng niên vụ 2021-2022, diện tích mía chỉ còn 1.700 ha, giảm 400 ha so với niên vụ trước. Ông Nguyễn Văn Sơn, ở thôn Thạch Hà, xã Quảng Sơn, cho biết: Những năm gần đây việc canh tác cây mía không còn thuận lợi như trước do đất bạc màu, chi phí đầu tư cao, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt khiến cây mía sinh trưởng và phát triển chậm và đặc biệt giá mía có sự biến động mạnh khiến thu nhập của các hộ bấp bênh, nên nhiều nông hộ đã chuyển sang cây trồng khác.
Nông dân thôn Thạch Hà, xã Quảng Sơn chuyển diện tích trồng mía sang trồng mì niên vụ 2021-2022. Ảnh: T.Thịnh
Ông Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn cho biết: Những năm gần đây diện tích cây mía dần bị thu hẹp. Nhằm duy trì và phát triển vùng nguyên liệu mía, trong thời gian tới huyện đề xuất ngành chức năng, doanh nghiệp hỗ trợ nông dân xây dựng quy trình thâm canh hợp lý; bố trí thời vụ trồng và cơ cấu giống chín sớm, chín trung bình, chín muộn phù hợp để rải vụ, giảm tình trạng thiếu sản phẩm mía đầu và cuối vụ, thừa sản phẩm mía giữa vụ; xây dựng chuỗi sản xuất liên kết chặt chẽ, bền vững, đảm bảo đầu ra ổn định cho cây mía, giúp nông dân trồng mía yên tâm gắn bó với loại cây trồng này. Bên cạnh đó, huyện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất mía, hình thành các tổ hợp tác trồng mía, liên kết với doanh nghiệp đầu tư phát triển cánh đồng lớn trồng mía ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Với việc triển khai các giải pháp để duy trì và phát triển vùng nguyên liệu mía, tin rằng trong thời gian tới, nông dân trồng mía sẽ vượt qua khó khăn, đầu tư sản xuất có hiệu quả.
Thanh Thịnh