Giai đoạn 2015-2020, ngành Nông nghiệp đạt nhiều thành tựu quan trọng, duy trì mức tăng trưởng 6-7%/năm, riêng 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 7,7%.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong những năm qua, công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được chú trọng, đạt kết quả bước đầu. Tính đến đầu tháng 5-2021 đã có 60 dự án được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 4.166 tỷ đồng; trong đó, có 41 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn hơn 2.638 tỷ đồng; 10 dự án đang triển khai thi công với tổng vốn 675,13 tỷ đồng và 9 dự án đang hoàn tất thủ tục liên quan để triển khai với tổng vốn 852,6 tỷ đồng.
Những dự án hoàn thành đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng vào thực hiện có kết quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030. Đơn cử như Dự án Phát triển dược liệu, cây ăn quả chất lượng cao Nitatech triển khai tại xã Phước Tiến (Bác Ái) đã đầu tư, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất bưởi da xanh, nấm hương, nấm linh chi, hoa lan... bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Một số dự án sản xuất giống thủy sản cũng đã góp phần vào phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là yếu tố quan trọng để hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đặc biệt, các dự án nông nghiệp công nghệ cao góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường. Thành công bước đầu của các dự án đã mở ra hướng đi mới cho ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Tuy vậy, vẫn còn một số dự án tiến độ triển khai chậm, nhất là các dự án kéo dài thời gian triển khai ít nhiều ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 1641/VPUB-KTTH ngày 6-5-2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, địa phương liên quan đã rà soát tiến độ triển khai các dự án nông nghiệp, nhận diện những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó tham mưu cho UBND tỉnh đề ra giải pháp tháo gỡ. Qua rà soát, có 10 dự án chậm tiến độ, nguyên nhân chủ yếu là do gặp khó khăn liên quan đến các thủ tục giao đất kéo dài, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cụ thể như Dự án Trồng cây cao su và trồng rừng kinh tế tại huyện Bác Ái của Công ty TNHH Xây dựng - Dịch vụ - Thương mại- Xuất nhập khẩu Thuận Hưng Thịnh quy mô trồng cây cao su hơn 421 ha, dự kiến hoàn thành trong tháng 1-2021 nhưng trong quá trình triển khai gặp khó khăn do người dân lấn chiếm đất, vướng thủ tục chuyển đổi đất lâm nghiệp nên đến nay chỉ mới xây dựng được khu vườn ươm giống rộng 2 ha.
Với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, các sở, ngành liên quan, các địa phương đã tham mưu UBND tỉnh đề ra giải pháp tổ chức thực hiện quyết liệt. Theo đó, đối với những dự án chậm tiến độ do nguyên nhân khách quan thì xem xét cho cho giãn thời gian hoàn thành; đồng thời, đôn đốc nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương giải quyết một số hồ sơ, thủ tục liên quan đảm bảo điều kiện khởi công dự án trong thời gian sớm nhất. Đối với các dự án kéo dài thời gian khởi công do nhà đầu tư thiếu quyết tâm thì tiến hành rà soát, củng cố lại hồ sơ làm cơ sở thu hồi theo đúng quy định của pháp luật.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án nông nghiệp triển khai trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2021 nhằm tạo động lực tăng trưởng mới, vừa đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công. Mục tiêu đề ra rất rõ ràng, vấn đề còn lại là ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp cần quyết tâm hành động cao.
Anh Tùng