Với đặc tính của cây nho, nếu ít mưa thì năng suất cao, ít bị bệnh hại, người trồng nho có thu nhập cao, ngược lại nếu mưa nhiều thì cây nho bị nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh mốc sương và bệnh thán thư, tốn nhiều chi phí phòng trừ bệnh hại, nho chín bị nứt quả, chất lượng nho kém, giá bán thấp. Trước thực tế trên, đầu năm 2019, Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã xây dựng quy trình và mô hình trồng nho cải tiến với giàn chữ Y bằng trụ thép có mái che nhằm hạn chế ảnh hưởng trực tiếp của điều kiện thời tiết bất lợi đến khả năng sinh trưởng, phát triển của cây nho.
Ông Phạm Văn Phước, Giám đốc Trung tâm tư vấn và Phát triển công nghệ của Viện Nghiên cứu Bông
và Phát triển nông nghiệp Nha Hố giới thiệu mô hình trồng nho giàn chữ Y có mái che.
Sau 2 năm trồng thực nghiệm cho thấy thiết kế giàn nho chữ Y đã tạo ra không gian thông thoáng, kết hợp với mái che mưa, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), lưới bao xung quanh cản được côn trùng, chim, hạn chế gió, nên nâng cao độ bóng đẹp của trái, vỏ quả không bị tì vết, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hấp dẫn người tiêu dùng nên giá cả sản phẩm cao hơn so với sản xuất nho thông thường, nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, trồng nho có sử dụng công nghệ che mưa nên quá trình canh tác không bị tác động bởi yếu tố thời tiết, có thể canh tác 2 vụ/năm. Đồng thời, việc sản xuất nho ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiến bộ nên sản phẩm nho đạt chất lượng tốt: Độ Brix đạt trên 16%; quả to, mẫu mả đẹp, bóng mượt nên giá cả bán ra cao hơn so với nho trồng thông thường khoảng trên 20%. Thêm vào đó, phí đầu tư cho 1 vụ sản xuất thấp, đặc biệt là ít sử dụng thuốc BVTV hơn so với sản xuất thông thường nên lợi nhuận vượt so với sản xuất nho thông thường trên 35%.
Từ hiệu quả thiết thực của mô hình trên, đầu năm 2021, Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã nhân rộng mô hình sản xuất nho ứng dụng công nghệ cao, với diện tích nhân rộng trên 1 ha. Hiện tại, cây nho đang vào giai đoạn tạo cành cấp 2, sinh trưởng, phát triển rất tốt. Theo kế hoạch, vào cuối năm sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên. Ông Phạm Văn Phước, Giám đốc Trung tâm tư vấn và Phát triển công nghệ của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố cho biết: Có thể khẳng định, đây là một trong những mô hình tiến bộ với nhiều ưu điểm vượt bậc so với mô hình làm giàn truyền thống. Người trồng nho sẽ chủ động hơn trong việc đối phó với diễn biến thất thường của thời tiết, dễ dàng đưa một phần cơ giới hóa vào trong quá trình canh tác sản xuất, giảm công lao động, đảm bảo năng suất cây nho trong mùa mưa. Đồng thời, việc áp dụng mô hình cũng rất đơn giản người dân không đủ điều kiện để làm giàn bằng sắt, thép thì cũng có thể tận dụng những gì sẵn có, chỉ cần trồng trụ gỗ và kéo dây thép cố định 2 vành đai và phủ bạt theo luống ở trên. Bên cạnh đó, việc trồng theo luống, hàng giúp nông dân dễ quản lý vì có khoảng trống, giúp tiểu khí hậu tại khu vực canh tác thông thoáng để cây nho phát triển tốt hơn.
Với sự nỗ lực không ngừng, nhiều năm qua, tập thể lãnh đạo, công nhân viên của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã lai tạo thành công nhiều giống cây trồng mới, mô hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp giúp nông dân ổn định sản xuất và phát triển kinh tế.
Thanh Thịnh