Tin kinh tế tổng hợp

* Đầu tư dự án kết cấu hạ tầng KCN Nam Tân Tập, tỉnh Long An

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1420/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Nam Tân Tập, tỉnh Long An. Dự án có quy mô sử dụng đất 244,74 ha tại xã Tân Tập, huyện cần Giuộc, tỉnh Long An, do Công ty TNHH Saigontel Long An là nhà đầu tư dự án.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.590,422 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 440,372 tỷ đồng.

UBND tỉnh Long An chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An hướng dẫn Nhà đầu tư quy định cụ thể tiến độ thực hiện Dự án, trong đó lưu ý tiến độ góp vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư để thực hiện Dự án phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.

Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư. Nhà đầu tư chỉ được thực hiện Dự án sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

* Thêm 3.000 nhân lực y tế chi viện TP Hồ Chí Minh và 3 tỉnh phía Nam

Tối 22/8, ông Nguyễn Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế, Vụ Tổ chức cán bộ đã có văn bản gửi đến các đơn vị trực thuộc và các tỉnh, thành phố để huy động nhân lực y tế tiếp tục đến hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, đến tối 22/8 đã có 1.800 cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của một số Trường khối ngành Y Dược đăng ký tình nguyện vào Thành phố Hồ Chí Minh. Số này, gồm 750 học viên, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai sẽ có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh trong đêm 22/8 để sáng 23/8 tham gia cùng lực lượng lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ của Thành phố triển khai các tổ lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng.

Cùng đó, Trường Đại học Y Hà Nội cử thêm 250 người; Trường Đại học Dược Hà Nội sẽ cử 200 người; Học viện Y Dược học cổ truyền cử 150 người; Trường Đại học Y Dược Thái Bình cử thêm 250 người; Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cử 200 người.

Vụ trưởng Nguyễn Hồng Sơn cũng thông tin, 8 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã lên danh sách cử 450-500 chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai để đồng hành cùng các đồng nghiệp chống dịch.

“Như vậy, sau 1 ngày (từ 21-22/8), Bộ Y tế đã huy động được khoảng 2.250 - 2.300 cán bộ, chuyên gia, y bác sĩ và học sinh, sinh viên thuộc các đơn vị của Bộ Y tế tình nguyện vào Thành phố Hồ Chí Minh và 3 địa phương trên phục vụ các hoạt động lấy mẫu, xét nghiệm và điều trị”, Vụ trưởng Nguyễn Hồng Sơn cho biết.

* Bộ Y tế tiếp nhận hơn 500.000 liều vaccine AstraZeneca

Sáng 23/8, tại Hà Nội, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ba Lan tại Việt Nam Wojciech Gerwel đã thay mặt Chính phủ Ba Lan bàn giao cho Bộ Y tế 501.600 liều vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca do Chính phủ Ba Lan tặng Việt Nam phục vụ công tác phòng, chống dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thay mặt Bộ Y tế tiếp nhận lô vaccine này.

Trước đó, ngày 17/8, Chính phủ Ba Lan công bố quyết định tặng Việt Nam 501.600 liều vaccine AstraZeneca, đồng thời viện trợ nhiều trang thiết bị y tế thiết yếu trị giá 4 triệu đô la Mỹ. Ba Lan sẵn sàng nhượng lại 3 triệu liều vaccine COVID-19 cho Việt Nam.

Dự kiến, lô thiết bị y tế thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được phía Ba Lan chuyển sang Việt Nam trong đầu tháng 9.

* TP Hồ Chí Minh dự kiến cung cấp hàng thiết yếu theo nhu cầu tiêu dùng bình quân

Người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh mua sắm hàng hóa tại siêu thị, ngày 21/8/2021. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu người dân trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo tinh thần "ai ở đâu thì ở đó", không đi ra đường, không đi mua hàng trực tiếp; còn chính quyền địa phương đảm bảo phương thức phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phù hợp đến người dân. Trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của khoảng 9,4 triệu dân, TP Hồ Chí Minh dự kiến cung cấp theo nhu cầu tiêu dùng bình quân các mặt hàng thiết yếu của người dân trên địa bàn thành phố.

Đây là một trong những nội dung trong kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn TP Hồ Chí Minh thực hiện biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ.

Thống kê nhu cầu tiêu dùng bình quân một ngày của người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là 10.964 tấn/ngày; trong đó, mặt hàng gạo 1.981 tấn; lương thực chế biến khô (mì, bún, phở...) 660 tấn; thịt gia súc 755 tấn; thịt gia cầm 660 tấn; thực phẩm chế biến 236 tấn; rau củ, quả 4.246 tấn... Còn nhu cầu tiêu dùng bình quân một tuần (7 ngày) là 76.747 tấn và bình quân 15 ngày là 164.460 tấn. Ngoài ra, nhu cầu thiết yếu một số mặt hàng khác như nước uống đạt khoảng 19 triệu lít/ngàu (566 triệu lít/tháng); các mặt hàng phòng chống dịch như: khẩu trang 628.969 cái/ngày (18,8 triệu cái/tháng)...

Về tổ chức chuỗi cung ứng, đảm bảo lưu thông, vận chuyển hàng hóa lương thực thực phẩm vào thị trường TP Hồ Chí Minh, hiện mạng lưới phân phối trên địa bàn thành phố, gồm: 106 siêu thị, 2.895 cửa hàng tiện lợi, 27 chợ truyền thống đang hoạt động. Hệ thống cung ứng này tiếp tục hoạt động, nâng cao công suất để tổ chức thu mua, vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm về thành phố và tăng cường khả năng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bình quân cho người dân TP Hồ Chí Minh.

* Dừng toàn bộ hoạt động vận tải khách trên tuyến đường sắt Bắc - Nam từ ngày 25/8

Theo tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị duy nhất đang khai thác hoạt động vận tải hành khách trên tuyến đường sắt Bắc – Nam sẽ thực hiện việc bãi bỏ tàu SE8 xuất phát tại Ga Sài Gòn kể từ ngày 23/8 và bãi bỏ tàu SE7 xuất phát tại Ga Hà Nội kể từ ngày 25/8 cho đến khi có lệnh mới.

Quyết định này được đưa ra nhằm thích ứng với những diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 với nhiều biến thể mới với nguy cơ lây nhiễm cao. Hiện tại TP.HCM, các tỉnh phía Nam và nhiều tỉnh, thành trên cả nước tiếp tục duy trì thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, kể từ ngày 25/8, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không tổ chức chạy tàu khách thường xuyên trên tuyến Bắc – Nam, chỉ tổ chức chạy các đoàn tàu hàng.

* Thống nhất khai báo y tế với xe 'luồng xanh' khi đi qua các chốt kiểm soát phía Nam

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chỉ huy tiền phương Bộ Công an về phòng, chống dịch COVID-19, ngày 22/8, các đơn vị liên quan của Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã có buổi họp bàn thống nhất, từ 22 giờ đêm nay (22/8), tất cả các phương tiện vận tải "luồng xanh" khi đi qua các chốt kiểm soát dịch tại 25 tỉnh, thành phố phía Nam, phải thực hiện khai báo y tế trên hệ thống phần mềm quản lý công dân vùng dịch của Bộ Công an tại địa chỉ: suckhoe.dancuquocgia.gov.vn

Theo đó, Tổng cục đường bộ Việt Nam chỉ đạo ngay các Sở Giao thông vận tải 25 tỉnh, thành phố phía Nam khi thực hiện việc cấp mã QRCode ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh", phải yêu cầu tất cả các chủ doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải, tài xế, người bốc vác... tiến hành khai báo y tế (tại địa chỉ: suckhoe.dancuquocgia.gov.vn).

* Giá vàng trong nước sáng 23/8 giữ ổn định

Sáng 23/8, giá vàng trong nước giữ ổn định, giao dịch trên mốc 57,1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Thời điểm 8 giờ 40 phút, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 56,45 - 57,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với cuối tuần qua.

Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC cũng không đổi so với cuối tuần qua, ở mức 56,6 - 57,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

* Sáng 23/8, tỷ giá trung tâm tăng 11 đồng

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 23/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.177 VND/USD, tăng 11 đồng so với cuối tuần qua.

Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.872 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.481 VND/USD.

Tại các ngân hàng thương mại, sáng 23/8, giá USD và Nhân dân tệ (NDT) biến động nhẹ.

Lúc 8 giờ 25 phút, tại Vietcombank, giá USD tăng 10 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối tuần qua, niêm yết ở mức 22.695 - 22.925 VND/USD (mua vào - bán ra).

Giá đồng NDT tại Vietcombank giảm 3 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối tuần qua, niêm yết ở mức 3.439 - 3.584 VND/NDT (mua vào - bán ra).

* Giá dầu châu Á phiên 23-8

Vào lúc 8 giờ 58 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 60 xu Mỹ (0,9%) lên 65,78 USD/thùng, sau khi có lúc rơi xuống 64,60 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 21/5, còn giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 10 tăng 53 xu Mỹ (0,9%) lên 62,67 USD/thùng, sau khi có thời điểm rơi xuống 61,74 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 21/5.

* Ngành du lịch Thái Lan điều chỉnh chiến lược để vượt qua khó khăn

Hơn một năm rưỡi kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ngành du lịch Thái Lan đang phải nỗ lực tồn tại và cố gắng chuyển từ hoạt động du lịch đại trà sang thu hút nhiều khách du lịch có khả năng tài chính cao hơn. Thái Lan đã đón khoảng 40 triệu lượt du khách quốc tế vào năm 2019, và con số này giảm xuống chỉ còn 6,7 triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2020.

Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) dự đoán ngay cả trong kịch bản tích cực nhất cũng sẽ chỉ có khoảng 1-2 triệu lượt khách du lịch nước ngoài đến thăm nước này trong năm 2021. Một số ý kiến cho rằng con số này vẫn được coi là quá lạc quan với tỷ lệ tiêm chủng hiện tại và số ca mắc COVID-19 trong nước của Thái Lan đang gia tăng hàng ngày.

Tập trung vào du lịch cao cấp luôn là mục tiêu đầy tham vọng của Thái Lan. Hiện các nhà chức trách tin rằng Thái Lan sẽ phải tiến hành cải cách hoạt động của ngành này vì đây là cách duy nhất để có thể tồn tại và vượt qua khủng hoảng.

Bộ trưởng Du lịch Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn cho biết, chiến lược phục hồi ngành du lịch của chính phủ nước này là nhằm vào những du khách chi tiêu nhiều đang tìm kiếm sự riêng tư và giãn cách xã hội trong thời gian họ lưu trú, đặc biệt là trong thời gian và sau đại dịch COVID-19. Đồng thời ngành cũng sẽ cố gắng thu hút khách du lịch cao cấp, thay vì một lượng lớn du khách đại trà như trước đây. Bộ trưởng Phiphat cũng cho rằng dịch vụ du lịch có chất lượng cao dành cho các du khách có khả năng tài chính "dồi dào" sẽ giúp giải quyết các vấn đề đã tồn tại trước đại dịch, chẳng hạn như tình trạng quá đông đúc tại các bãi biển, đền thờ và ảnh hưởng xấu đến môi trường.