Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Kế hoạch số 59-KH/TU ngày 22-7-2021 triển khai thực hiện Kết luận số 06-KL-TW ngày 10-6-2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mục đích yêu cầu của việc thực hiện kế hoạch nhằm phát huy những kết quả đạt được qua hơn 6 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; đồng thời, đề ra nhiệm vụ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền các cấp; tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực TDCSXH; tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) các cấp trên địa bàn; phát huy vai trò, chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với hoạt động TDCSXH; đẩy mạnh tuyên truyền vai trò, tầm quan trọng của TDCSXH trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Người dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) sử dụng vốn vay NHCSXH đầu tư mô hình chăn nuôi dê sinh sản.

Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh NHCSXH tỉnh, cho biết: Nhìn lại quá trình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trong thời gian qua, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị và nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của NHCSXH tỉnh, công tác TDCSXH đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Mô hình tổ chức và phương thức quản lý phù hợp với thực tiễn cơ sở, đã huy động được nhiều nguồn lực, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Chính phủ để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Tính đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh hơn 2.497 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn cân đối từ trung ương 2.115 tỷ đồng, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang 68 tỷ đồng, nguồn huy động thị trường trên 314 tỷ đồng, trong đó huy động từ tổ chức, cá nhân 180 tỷ đồng, từ tiền gửi tổ viên thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn 134 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, NHCSXH tỉnh đã tổ chức giải ngân qua 15 chương trình tín dụng đạt 2.490 tỷ đồng, với 75.300 hộ vay vốn (dư nợ bình quân là 33 triệu đồng/hộ). Đặc biệt, tổng dư nợ cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo 1.446 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58% trên tổng dư nợ. Còn lại là các chương trình cho vay dành cho hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; cho vay nước sách và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay học sinh, sinh viên; giải quyết việc làm, cho vay nhà ở xã hội, nhà ở hộ nghèo... Đảm bảo mục tiêu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.

Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời đã khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Để tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp trong tỉnh căn cứ nội dung Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch số 59-KH/TU để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, tăng cường huy động nguồn vốn tại địa phương, các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, nguồn tiền tạm thời chưa sử dụng từ các quỹ của MTTQ, các quỹ ngoài ngân sách của các sở, ngành các cấp... gửi vào NHCSXH để tạo lập nguồn vốn bổ sung thực hiện các chương trình cho vay, nhất là cho vay giải quyết việc làm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang đặc biệt khó khăn. Phấn đấu đến năm 2025, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt mức từ 6-8% tổng nguồn vốn TDCSXH cho vay trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, giao NHCSXH tỉnh chủ động tham mưu cho UBND, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo; quan tâm, chú trọng bồi dưỡng nhân sự thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, hoạt động nhận ủy thác của các hội, đoàn thể. Tích cực phối hợp với ngành chức năng triển khai các chương trình hỗ trợ khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; định hướng sản xuất cây trồng, vật nuôi giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay hiệu quả, thoát nghèo bền vững...