Mô hình nuôi ốc hương trong bể xi măng có mái che ban đầu được triển khai ở xã Phước Dinh (Thuận Nam), hiện nay được nhiều hộ dân ở xã Tân Hải (Ninh Hải) áp dụng, cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Huyện Ninh Hải có tổng diện tích nuôi, trồng thủy sản 215 ha; trong đó, ốc hương thương phẩm 34,7 ha, tập trung chủ yếu ở xã Tân Hải. Đồng chí Nguyễn Minh Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hải, cho biết: Trước đây, bà con nuôi tôm nhưng không hiệu quả do môi trường mặt nước bị ô nhiễm, do đó huyện đã quy hoạch thành vùng nuôi ốc hương. Mới đầu chỉ có vài hộ đầu tư thả nuôi, sau đó người dân nhận thấy hiệu quả, nên nhân rộng ra, đến nay toàn xã có 23 hộ nuôi với diện tích 12 ha. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng ốc hương thương phẩm của xã đạt 75 tấn, tăng 30 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Mô hình nuôi ốc hương trong bể xi măng của Công ty TNHH MTV Châu Cầu
triển khai ở xã Phước Dinh (Thuận Nam) đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Anh Tùng
Theo các hộ dân địa phương, mặc dù chi phí đầu tư nuôi ốc hương khá cao, nhưng bù lại kỹ thuật nuôi đơn giản, dễ quản lý, chăm sóc, giá trị sản phẩm cao và dễ tiêu thụ, do vậy ngày càng có nhiều người tham gia nuôi. Thời gian từ lúc thả nuôi đến khi thu hoạch là 5 đến 8 tháng tùy theo kích cỡ 80-150 con/kg, giá bán bình quân 250.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người nuôi lãi khoảng 100.000 đồng/kg.
Trước đây, ốc hương chủ yếu được nuôi trong ao đất hoặc ao lót bạt nhựa rải cát, tuy nhiên cách nuôi này khó quản lý chăm sóc và dễ phát sinh dịch bệnh. Mô hình nuôi ốc hương trong bể xi măng hiện nay cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội, cùng với đó là áp dụng phương pháp kỹ thuật hiện đại. Trong đó, người nuôi đầu tư hệ thống máy lọc nước tuần hoàn khép kín, nước trong bể nuôi được thu gom xử lý bằng hệ thống lắng lọc làm sạch nước, đồng thời bổ sung thêm oxy, do vậy nguồn nước luôn đảm bảo để ốc hương sinh trưởng phát triển tốt. Ưu điểm của mô hình là sau 3-5 ngày mới phải thay nước một lần (nuôi theo hình thức phổ thông hiện nay phải thay nước hằng ngày) đồng thời cho phép nuôi với mật độ dày hơn, đặc biệt không dùng hóa chất và kháng sinh hoặc có thì rất ít giúp sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Nhã, một trong những hộ nuôi ốc hương đầu tiên ở xã Tân Hải chia sẻ: Nuôi ốc hương trong bể xi măng có nhiều ưu điểm, người nuôi đỡ vất vả, ít tốn công, hằng ngày không phải lặn xuống đáy ao kiểm tra ốc hương, nền nhiệt độ luôn ổn định vì có mái che. Với cách nuôi này, người nuôi dễ quản lý về môi trường nuôi, dễ quản lý địch hại, dễ chăm sóc cũng như hạ thấp chi phí đầu tư thức ăn mà năng suất vẫn cao vượt trội. Dưới đáy bể xi măng được phủ lớp cát dày khoảng 10-15 cm, mực nước nuôi ốc hương trong bể chỉ khoảng 30 cm nên dễ kiểm soát, người nuôi có thể nhìn thấy rõ ốc khỏe hay yếu, ốc có ăn hay không để có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, nhờ có hệ thống máy lọc nước tuần hoàn khép kín nên quản lý được chất lượng nước, tránh được hiện tượng thừa thức ăn làm nước mau bẩn, nhờ vậy đối tượng nuôi ít dịch bệnh hơn, nhanh lớn và năng suất cao hơn.
Với cách nghĩ, cách làm, cùng ý chí quyết tâm, bà con xã Tân Hải đã khẳng định mô hình nuôi ốc hương trong bể xi măng là mô hình kinh tế hiệu quả, là hướng đi phù hợp cho những nông dân có điều kiện tham gia sản xuất, muốn vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Anh Thi