Theo phân tích của Sở Công Thương, động lực đưa chỉ số sản xuất CN 7 tháng đầu năm tăng là nhờ các đơn vị, địa phương đã thực hiện đồng bộ “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa tập trung thực hiện tốt việc hỗ trợ, tháo gỡ, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, nên sản lượng điện tiếp tục phát huy công suất. Chỉ tính riêng trong tháng 7 sản lượng điện tăng 30,34% so với cùng kỳ, trong đó: Điện gió đạt 13,74 triệu kWh, tăng 41,8%; điện mặt trời đạt 382,38 triệu kWh, tăng 39,73%, góp phần đưa chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện trong 7 tháng đầu năm tăng 64,54% so với cùng kỳ 2020.
Các dự án năng lượng đi vào hoạt động tạo năng lực tăng thêm cho ngành công nghiệp. Ảnh: Hồng Lâm
Để chung sức, đồng hành cùng với tỉnh đẩy lùi dịch COVID-19, trong tháng 7, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhiều doanh nghiệp (DN) như: Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt, Công ty TNHH Bia Sài Gòn - Ninh Thuận, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Như Cương, Công ty TNHH Khang Thuận Ninh, Công ty TNHH Long Sơn - BLB, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam, Công ty TNHH MTV Hồ Dương..., đã linh hoạt xây dựng phương án “3 tại chỗ”, bố trí làm việc luân phiên và giảm 50% lao động để vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, góp phần đưa chỉ số sản xuất của một số sản phẩm CN chủ yếu trong 7 tháng tăng so với cùng kỳ, gồm: Thạch nha đam tăng 36,5%; muối chế biến tăng 26,5%; đường RS tăng 68,7%; đá xây dựng tăng 25,3%; sợi xe từ các loại sợi tự nhiên tăng 23,1%; tôm đông lạnh tăng 19,7%...
Về tình hình triển khai các dự án, ngoài 2 dự án đã hoàn thành thi công xây dựng là Nhà máy Điện mặt trời Thiên Tân 1.2 công suất 40 MW và Nhà máy Điện mặt trời Thiên Tân 1.4 công suất 80 MW (đang thỏa thuận giá mua bán điện), còn có 8 dự án điện gió đang đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo hoàn thành trước ngày 1-11-2021 với tổng công suất 437 MW, dự kiến sản lượng phát lên lưới khoảng 122,4 triệu kWh. Bên cạnh đó, có 1 dự án đang triển khai thi công là Dự án Nhà máy Điện mặt trời Thiên Tân 1.3 công suất 36 MW, ước tiến độ thực hiện đạt trên 65% do còn vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng (20 ha); 4 dự án thủy điện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành trong tháng 12-2021, tổng công suất 124 MW. Riêng điện mặt trời mái nhà, đến nay có 3.655 khách hàng với công suất lắp đặt khoảng 286 MW; sản lượng phát lên lưới 6 tháng đầu năm 2021 là 283,8 triệu kWh.
Kết quả đạt được của ngành CN trong 7 tháng đầu năm 2021 là rất đáng ghi nhận, tuy vậy, cũng phải nhìn nhận những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra, nhất là trong tháng 7 cả tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, một số DN không đảm bảo quy định “3 tại chỗ” hoặc có ca nhiễm COVID-19 như: Công ty TNHH May Tiến Thuận, Công ty Cổ phần May Tân Tiến phải ngừng hoạt động, nên một số nhóm ngành hàng chế biến tiếp tục giảm mạnh, cụ thể: Hạt điều giảm 16,83%; sản xuất tinh bột giảm 19,11%; bia đóng lon giảm 22%; may mặc giảm 1,63%; xi măng giảm 20,75%...
Công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt vào ca sản xuất.
Dự báo từ nay đến cuối năm, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến hết phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Để khắc phục khó khăn, phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng ngành CN đạt khoảng 17%; giá trị gia tăng lĩnh vực năng lượng trong ngành CN là 3.340 tỷ đồng, tăng 20,7%, đóng góp cho tăng trưởng chung 2,84% theo kịch bản tăng trưởng đã được Tỉnh ủy và HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 01-NQ/TU và Nghị quyết số 58/NQ-HĐND, Sở Công Thương xác định: Tiếp tục bám sát Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chủ động nắm bắt, thu thập thông tin, vận động DN chủ động, linh hoạt các giải pháp sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, đơn vị còn phối hợp các ngành, địa phương kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để các dự án điện gió, điện mặt trời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, nhằm tạo năng lực tăng thêm cho ngành. Phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức việc đấu thầu Dự án Điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1 công suất 1.500 MW; phối hợp Viện Năng lượng lập Đề án Quy hoạch tổng thể điện gió biển ngoài khơi; phối hợp Viện Khoa học Năng lượng lập lại Đề án Phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước sau khi có chủ trương của Tỉnh ủy.
Ngoài các giải pháp kể trên, đơn vị tiếp tục quản lý, theo dõi tình hình các dự án đầu tư trong các khu, cụm CN. Phối hợp kiểm tra, giám sát các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các DN. Bám sát tiến độ dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tham mưu UBND tỉnh. Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án hạ tầng kỹ thuật Cụm CN Hiếu Thiện. Tiếp tục phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các DN phát huy cao nhất năng lực sản xuất các sản phẩm hiện có, tạo động lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Văn Thanh