Vốn là vụ đạt năng suất cao nhất trong năm, vụ đông – xuân luôn được nông dân đặt nhiều hy vọng. Năm nay cũng vậy, do thời tiết có lúc diễn biến không thuận lợi, các công đoạn chăm sóc lúa được nông dân hết sức chú ý và phối hợp với cán bộ khuyến nông để chủ động phòng trừ sâu bệnh, nhờ đó, phần lớn diện tích lúa đều sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao.
Vừa được mùa, vừa trúng giá, bà con nông dân khắp nơi trong tỉnh phấn khởi trong vụ đông - xuân.
Với 1.293 ha lúa vụ đông – xuân, mùa gặt đến với bà con nông dân Thuận Nam sớm hơn những địa phương khác. Từ giữa tháng 4, những bao lúa căng phồng đã theo nông dân về nhà. Trên cánh đồng rộng dài tít tắp, nắng như rực rỡ hơn khi hòa vào màu vàng rộn của từng gié lúa nặng trĩu. Lão nông Mã Lạc, Chủ nhiệm HTX Vụ Bổn - Phước Ninh, phấn khởi: “Lần đầu tiên bà con Vụ Bổn tham gia dự án Cạnh tranh nông nghiệp, sản xuất lúa giống cho Công ty cổ phần giống Nha Hố, năng suất đạt 70 tạ/ha, bán tươi với giá 6.870 đồng/kg, cao hơn giá lúa thương phẩm 700 đồng/kg nên bà con rất vui.”
Trong khi đó, tại một số khu vực của huyện Ninh Hải, do giai đoạn làm đòng rơi vào thời điểm thời tiết bất lợi, ảnh hưởng không tốt đến năng suất lúa. Tuy nhiên, nhờ giá lúa cao, bà con nông dân cũng bớt lo hơn. Ông Đạo Ngọc Hoàng, thôn An Nhơn, xã Xuân Hải cho biết: với giá lúa dao động từ 5.800 – 6.200 đồng/kg như hiện nay, người làm ruộng nói chung cũng có lãi. “Như 2,1 ha lúa nhà tôi, trừ các khoản chi phí, lãi khoảng 30-40 triệu”, ông Hoàng nói thêm.
Vui nhất là bà con nông dân tham gia các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ mới trên cây lúa.
Ông Lê Văn Kiên – nông dân tham gia mô hình “1 phải, 5 giảm” tại thôn Trường Thọ (Phước Hậu – Ninh Phước) phấn khởi: “5,5 sào ruộng của gia đình tôi chưa bao giờ đạt được năng suất cao như vụ này, phải hơn 8 tạ/sào.” Cũng tham gia mô hình này, lão nông Nguyễn Như Thanh tươi cười “khoe” đám ruộng được thí điểm hình thức gieo sạ hàng bằng máy của gia đình ông. “Lúc mới gieo xong, thấy mạ thưa, con trai tôi lo lắm, sợ không đạt. Nhưng sau, lúa đẻ nhánh nhiều, ruộng dày như gieo 30 – 40 kg, nó mới thật sự tin tưởng vào cách làm mới này”, ông Thanh kể lại.
Nông dân trẻ Đàng Ngọc Láng, thôn Như Bình, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước cười rạng rỡ: “dù chỉ có 1,5 sào ruộng, nhưng tôi cũng mạnh dạn tham gia mô hình “cùng nông dân ra đồng”, học theo cách làm mới, năng suất đạt 9 tạ/sào. Mình làm ruộng từ nhỏ, chưa bao giờ đạt được năng suất cao như vậy, ngày trước chỉ 4,5 – 5 tạ/sào là mừng rồi.”
Ngồi vắt vẻo trên những bao lúa căng tròn trên chiếc xe bò của gia đình, anh Đổng Văn Vê ở thôn Phước Đồng, xã Phước Hậu hồ hởi: “Ngày trước mình chở lúa bó, bây giờ có máy gặt rồi, mình chở lúa bao. Một sào được 80.000 đồng, một ngày cũng kiếm được khoảng 500.000 đồng.”
Ngay khi gặt xong, nhiều bà con cày ải, phơi đồng để vừa tiêu diệt sâu bệnh trong đất, vừa cải tạo đất tốt hơn. Để tránh lãng phí, bà con tận dụng rơm làm thức ăn cho gia súc chứ không đốt như mọi năm. Ông Trà Văn Thị, thôn Hoài Nhơn, xã Phước Hậu cho biết: nhiều nông dân có thói quen đốt đồng sau thu hoạch vì nghĩ là đất sẽ tốt hơn, nhưng ông nghe theo khuyến cáo của cán bộ khuyến nông không đốt đồng, để giữ lại những vi sinh vật có lợi trong đất, chuẩn bị cho vụ hè – thu tới.
Hưởng lợi từ chính đồng ruộng của mình, người nông dân vốn “chân lấm, tay bùn” ngày nay còn biết ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để nâng cao năng suất, lợi nhuận. Nụ cười tươi nắng tháng 5 của bà con như làm rộn ràng mọi nẻo đường quê.
Bảo-Nhạn