Sử dụng phân đạm đúng cách không những giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng mà còn giảm chi phí sản xuất. Dưới đây là cách sử dụng (bón) các loại phân đạm.
Phân urê: có tỷ lệ đạm cao nhất (44 - 48%); có khả năng thích nghi rộng, phát huy tác dụng trên nhiều loại đất và các loại cây trồng khác nhau, thích hợp trên đất chua phèn. Urê được dùng để bón thúc. Có thể pha loãng theo nồng độ 0,5 - 1,5% để phun lên lá.
Sunphat đạm (phân SA): chứa 20 - 21% nitơ (N) nguyên chất và 29% lưu huỳnh (S). Phân SA có dạng tinh thể, mịn, màu trắng ngà hoặc xám xanh. Phân có mùi khai, vị mặn, hơi chua, dễ tan trong nước. SA có thể bón cho tất cả các loại cây trồng, trên nhiều loại đất khác nhau, trừ đất phèn và chua. Nếu đất chua cần bón thêm vôi và lân. Phân này dùng tốt cho cây trồng trên đất đồi, đất bạc màu (thiếu S). SA dùng để bón thúc và bón nhiều lần, chuyên dùng cho các cây đậu đỗ, lạc, ngô....
Phôtphat đạm (phốt phát amôn): chứa 16% đạm và 20% lân. Phân có dạng viên, màu xám tro hoặc trắng, dễ chảy nước, dễ tan trong nước và phát huy hiệu quả nhanh, dùng để bón lót, bón thúc đều tốt. Phân dễ sử dụng, thích hợp ở đất nhiễm mặn. Cần bón phối hợp với các loại đạm khác.
Phân đạm Clorua: Chứa 24 - 25% N nguyên chất. Dạng tinh thể mịn, màu trắng hoặc vàng ngà, dễ tan trong nước, không bị vón cục, dễ sử dụng. Là loại phân sinh lý chua nên bón kết hợp với lân và các loại phân bón khác. Không nên dùng để bón cho khoai tây, hành, tỏi, bắp cải, chè,... Đất khô hạn, nhiễm mặn không nên bón phân đạm clorua, dễ làm cho cây bị ngộ độc (dư clo).
Phân a-môn ni-trat: có 33 - 35% N nguyên chất. Phân ở dạng tinh thể muối kết tinh có màu vàng xám, dễ chảy nước, dễ tan trong nước, dễ vón cục, khó bảo quản và sử dụng. Là loại phân sinh lý chua, có thể bón cho nhiều loại cây trồng trên nhiều loại đất khác nhau, thích hợp cho cây trồng cạn như mía, ngô, bông hoặc dùng để tưới bón thúc cho nhiều loại rau, cây ăn quả.
Đ.L (St)