* Giá vàng trong nước sáng 16/7 giảm 100.000 đồng/lượng
Cụ thể, lúc 8 giờ 45 phút, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,75 - 57,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 56,95 - 57,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với cuối phiên hôm qua.
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC được giữ nguyên so với cuối phiên hôm qua, niêm yết ở mức 56,85 - 57,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 15/7, giá vàng thế giới chạm mức cao nhất trong một tháng qua. Vào lúc 1 giờ sáng ngày 16/7 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.829,16 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,3% và được giao dịch ở mức 1.830 USD/ounce.
* Tỷ giá trung tâm sáng 16/7 giảm 11 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 16/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.192 VND/USD, giảm 11 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.887 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.496 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, giá đồng USD và giá đồng Nhân dân tệ (NDT) tăng nhẹ.
Lúc 8 giờ 20 phút, tại Vietcombank, giá USD niêm yết ở mức 22.880 - 23.110 VND/USD (mua vào - bán ra), không đổi so với cùng thời điểm hôm qua.
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.491- 3.637 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 6 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua.
* Thu ngân sách nhà nước tăng 16,3%
Sáng 16/7, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đó, thu nội địa đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9%; thu từ dầu thô đạt 80,7%, giảm 12,2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Bộ Tài chính cho biết, cả nước có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa, đạt trên 50%; trong đó, 48 địa phương đạt trên 55% dự toán; 54/63 địa phương có tăng trưởng thu và một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Bộ Tài chính đánh giá, kết quả thu ngân sách nhà nước 6 tháng là tích cực, các khoản thu từ hoạt động sản xuất – kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ.
Miễn giảm, gia hạn 27,5 nghìn tỷ đồng tiền lệ phí, thuê đất khi COVID-19 lây lan
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng diễn ra ngày 16/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, ngành Tài chính đã miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí 27,5 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh COVID-19 diễn ra phức tạp.
Trong đó, cơ quan Thuế xử lý kịp thời, đúng quy định cho 52,38 nghìn người nộp thuế gửi giấy đề nghị gia hạn với tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 23,2 nghìn tỷ đồng; miễn giảm khoảng 4,3 nghìn tỷ đồng các khoản thuế, phí, lệ phí cho các đối tượng.
* Giải quyết khó khăn để xuất khẩu tôm đạt trên 4 tỷ USD
Tại hội nghị trực tuyến giải pháp phát triển ngành hàng tôm năm 2021 và triển khai Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 ngày 16/7 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trước khó khăn, thách thức về đảm bảo duy trì thị trường, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… ngành sẽ tập trung giải quyết những khó khăn này để phấn đấu xuất khẩu tôm đạt trên 4 tỷ USD. .
* Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý trên 23.000 tỷ đồng
Theo báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2021 của Kiểm toán Nhà nước, tính đến 30/6/2021, thông qua các cuộc kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý trên 23.000 tỷ đồng.
Đồng thời, cơ quan này đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 19 văn bản pháp luật không phù hợp, kịp thời bịt “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân; chuyển 1 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xem xét điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
* Một số ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay
Sau khi Ngân hàng Nhà nước kêu gọi sự đồng lòng giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, cá nhân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều ngân hàng đã công bố mức giảm lãi suất, đối tượng cụ thể.
Gần nhất, Vietcombank quyết định giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021. Trong đó, đối với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Các khách hàng còn lại cũng được giảm 1%/năm.
Đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm lãi suất 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống.
Việc giảm lãi suất không áp dụng với dư nợ đang được hưởng ưu đãi lãi suất và một số khoản vay khách như vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản…
Tương tự, một ngân hàng có vốn nhà nước khác là Agribank cũng phát đi thông báo giảm lãi suất cho vay. Các khoản vay tại thời điểm 15/7/2021, Agribank giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên, tương ứng giảm ít nhất 0,5 điểm phần trăm. Ước tính, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng cho việc tiếp tục giảm lãi suất lần này.
Đối với nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, Sacombank tiên phong giảm lãi suất. Sacombank cho biết sẽ thực hiện giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân có khoản vay tại ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng – khách sạn – nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế…
Ngoài ra, Sacombank cũng đang triển khai nguồn vốn ưu đãi 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời gian vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn ưu đãi được áp dụng từ 18/6/2021 đến hết ngày 31/12/2021 hoặc khi hết nguồn tuỳ điều kiện nào đến trước.
Hay như tại ACB, ngân hàng công bố sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp có hợp đồng vay và tại thời điểm đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian từ 15/7 đến 15/10/2021. ACB cho biết, ngân hàng sẽ xem xét thêm về mức độ dịch bệnh tác động đến tình hình kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận, số lượng lao động…) của các doanh nghiệp, thu nhập của khách hàng cá nhân và mức độ gắn kết của khách hàng với ngân hàng để có mức giảm lãi suất phù hợp.
TPBank cũng là một trong những ngân hàng sớm nhất công bố gói hỗ trợ khách hàng. TPBank cho biết, trước diễn biến của dịch Covid-19 lan trên diện rộng, ngân hàng đã chủ động xây dựng các chương trình, các gói miễn giảm lãi suất cho khách hàng trong 6 tháng cuối năm. Tổng số dư nợ hỗ trợ khách hàng lần này được TPBank ước tính gần 45 nghìn tỷ đồng. Mức giảm lãi suất sẽ giao động từ 0,5% - 1,2% cho các khách hàng doanh nghiệp hoạt động gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid. Tổng dư nợ được nhận hỗ trợ lãi suất của nhóm khách hàng này ước tính vào khoảng 18.188 tỷ đồng. Gần 26.300 tỷ đồng dư nợ của các khách hàng cá nhân cũng nhận được xét giảm lãi suất 1%.
Ngân hàng Bản Việt thì tung gói hỗ trợ quy mô 9.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm đến 2%. Theo đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ được tiếp cận với gói hỗ trợ quy mô 9.000 tỷ đồng từ ngân hàng này. Căn cứ vào thực trạng của doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng cụ thể, các doanh nghiệp sẽ được Ngân hàng đưa ra các giải pháp phù hợp như giảm lãi suất vay ngắn hạn, trung và dài hạn đến 2%/năm, cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm phí...
Hiện thông tin MB công bố về việc giảm lãi suất là chi tiết nhất. Cụ thể, ngân hàng cho biết sẽ thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của nhiều đối tượng khách hàng cụ thể, lãi suất cho vay bình quân giảm toàn danh mục từ nay đến tháng 12/2021 là 1% tổng danh mục cho vay VND của nhà băng này.
* Doanh số bán ô tô mới tại châu Âu vẫn dưới mức trước dịch COVID-19
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô châu Âu (EAMA) ngày 16/7 công bố số liệu cho thấy doanh số bán ô tô mới tại thị trường châu Âu trong nửa đầu năm 2021 đạt 5,4 triệu chiếc, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, con số trên thấp hơn 1,5 triệu xe so với mức doanh số gần bảy triệu chiếc đã bán ra trong sáu tháng đầu năm 2019, thời điểm chưa bùng phát dịch bệnh.
Trong thời gian trên, doanh số bán ô tô tại Italy (I-ta-li-a) tăng mạnh nhất với 51,4%, trong khi Bỉ báo cáo kết quả tồi tệ nhất với mức giảm 16,3%.
Tập đoàn Volkswagen, sở hữu các thương hiệu như Audi, Porsche và Skoda, chiếm 26,4% thị phần trong năm nay. Còn Stellantis, sở hữu các thương hiệu Fiat, Peugeot và Jeep, cùng với các thương hiệu khác, đứng sau với 23,1% thị phần.
Trong số các thương hiệu khác, thị phần của BMW-Mini, Hyundai-Kia và Toyota tăng lên, trong khi thị phần của Ford và Daimler giảm xuống.
* Số lượng các công ty khởi nghiệp tại Đông Nam Á sẽ tăng mạnh vào cuối thập kỷ này
Ngày 15/7, báo cáo của công ty đầu tư mạo hiểm (VC) Golden Gate Ventures nhận định đến cuối thập kỷ này sẽ có thêm nhiều công ty khởi nghiệp (start-up) ở Đông Nam Á xuất hiện.
Theo báo cáo trên, số lượng các công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hàng năm tại Đông Nam Á sẽ vượt con số 300 vào năm 2030, gần gấp ba lần số lượng các công ty IPO trong năm 2020. Một số công ty có khả năng sẽ niêm yết như công ty mua bán trực tuyến Carousell, nền tảng bất động sản PropertyGuru và công ty du lịch Traveloka...
Golden Gate Ventures dự đoán nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực giải trí và truyền thông sẽ tăng lên đáng kể trong thập kỷ này, với khoảng 100 triệu SGD (73,83 triệu USD) đã được đầu tư trong năm 2020.
Báo cáo cũng đánh giá Việt Nam là “ngôi sao đang lên” của khu vực và sẽ nổi lên trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba ở Đông Nam Á vào năm 2022 với thêm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực cam kết rót vốn đầu tư giai đoạn đầu vào các start-up tại đây.
Ngoài ra, báo cáo còn đưa ra nhận định về một số xu hướng đã ghi nhận ở Đông Nam Á trong những năm qua. Kể từ năm 2015, một thế hệ doanh nhân mới đã xuất hiện, được hỗ trợ từ các vòng gọi vốn đầu tư khổng lồ của các công ty khởi nghiệp đang phát triển nhanh như Grab và Gojek. Các cựu nhân viên cấp cao của những công ty tăng trưởng cao đã tiếp tục thành lập các doanh nghiệp của riêng họ, bắt đầu một chuỗi khởi nghiệp mới.
Bên cạnh đó, đã có nhiều hơn các công ty đầu tư mạo hiểm xuất hiện trong thập kỷ qua, với khoảng 60 công ty đầu tư mạo hiểm xuất hiện trong khu vực vào năm 2020, so với chỉ 7 công ty cách đây 10 năm.
PB(Tổng hợp)