Tin kinh tế tổng hợp

* Giá vàng tăng 50 nghìn đồng/lượng

Sáng 14/7, giá vàng trong nước ít biến động, nhiều công ty giữ nguyên giá niêm yết so với chốt phiên hôm qua. Trong khi đó, có công ty niêm yết giá vàng tăng nhẹ.

Cụ thể, lúc 8 giờ 50 phút, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,65 - 57,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 56,85 - 57,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với cuối phiên hôm qua.

Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC cũng được giữ nguyên so với cuối phiên hôm qua, niêm yết ở mức 56,6 - 57,35 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trước đó, giá vàng thế giới ít biến động trong phiên 13/7. Cụ thể, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.806,64 USD/ounce vào lúc 1 giờ 11 phút sáng 14/7 (theo giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn của Mỹ lại tăng 0,2% lên mức 1.809,90 USD/ounce./.

* Tỷ giá trung tâm tăng 3 đồng

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 14/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.204 VND/USD, tăng 3 đồng so với hôm qua.

Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.900 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.507 VND/USD.

* Tại các ngân hàng thương mại, giá đồng USD giảm, trong khi giá đồng Nhân dân tệ (NDT) đồng loạt tăng.

Lúc 8 giờ 20 phút, tại Vietcombank, giá USD niêm yết ở mức 22.880 - 23.110 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 10 đồng cả ở cả chiều mua vào và bán ra so với cùng thời điểm hôm qua.

Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.485 - 3.631 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 2 đồng cả ở chiều mua vào và bán ra so với cùng thời điểm hôm qua.

* Giá dầu thế giới tăng gần 2% trong phiên 13/7

Giá dầu thế giới tăng gần 2% trong phiên giao dịch ngày 13/7 sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nguồn cung có thể bị thắt chặt hơn do bất đồng giữa các nhà sản xuất lớn về lượng dầu thô bổ sung sẽ cung cấp cho thị trường thế giới.

Giá dầu Brent tăng 1,33 USD (1,8%) lên 76,49 USD/thùng trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,15 USD (1,6%) lên 75,25 USD/thùng.

* 21 quốc gia và vùng lãnh thổ kết nối tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 15/7 tới đây, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Hưng Yên sẽ diễn ra hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên do Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Hưng Yên tổ chức theo hình thức trưc tiếp và trực tuyến.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021 được thực hiện theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên, kết nối với 15 điểm cầu tỉnh, thành trong nước, gần 60 điểm cầu chính ở nước ngoài từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Anh, Australia, Ấn Độ, Ba Lan, Bỉ, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Israel, Malaysia, Myanmar, Lào, Nhật Bản, Pháp, Singapore và Trung Quốc.

Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ có sự tham dự của đại biểu các cơ quan bộ, ngành, các hệ thống phân phối, hợp tác xã cung ứng, doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu Việt Nam và nước ngoài từ hàng trăm điểm cầu liên kết khác.

Đến nay, diện tích nhãn lồng của Hưng Yên đạt khoảng 4.800 ha; trong đó, nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm chất lượng cao là hơn 1.300 ha. Năm 2021, sản lượng nhãn ước đạt khoảng 50.000 - 55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15 - 20%. Diện tích trồng cây có múi (cam, bưởi) khoảng 3.800 ha, sản lượng ước đạt 40.000 - 45.000 tấn.

* Petrovietnam khai thác 9,68 triệu tấn quy dầu trong 6 tháng đầu năm 2021

Lượng dầu khai thác cao cùng với việc giá dầu thế giới tăng đã giúp Petrovietnam hoàn thành tốt các chỉ tiêu tài chính. 6 tháng đầu năm 2021 tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 299,3 nghìn tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch 6 tháng và tăng 22% so với cùng kỳ 2020...

Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 vừa được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) công bố, các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp này đã hoàn thành vượt mức kế hoạch và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, sản lượng khai thác dầu dầu thô, khí ngưng tụ đã vượt 15% so với kế hoạch đặt ra, góp phần hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác quy dầu 6 tháng đạt 9,68 triệu tấn.

Lượng dầu khai thác cao cùng với việc giá dầu thế giới tăng đã giúp Petrovietnam hoàn thành tốt các chỉ tiêu tài chính. 6 tháng đầu năm 2021 tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 299,3 nghìn tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch 6 tháng và tăng 22% so với cùng kỳ 2020.

Nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn đạt 45,2 nghìn tỷ đồng, vượt 42% kế hoạch 6 tháng, tăng 33% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 21,3 nghìn tỷ đồng, vượt 165% kế hoạch 6 tháng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2020.

Theo phân tích của Petrovietnam, giá dầu thô bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 66,8 USD/thùng, vượt 48% giá kế hoạch mà Petrovietnam đặt ra. Điều này giúp cho lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tập đoàn 6 tháng đầu năm vượt 165% kế hoạch. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) 6 tháng đầu năm ước đạt 4,6%, thuộc nhóm các công ty dầu khí có hệ số ROE tốt trên thế giới trong 6 tháng qua.

* Ford Ranger sẽ xuất xưởng tại Việt Nam nhân khánh thành giai đoạn 1 mở rộng nhà máy

Thay cho nhập khẩu về phân phối như trước đây, ngày 15/7 tới đây, mẫu xe bán tải Ford Ranger sẽ được xuất xưởng từ nhà máy Ford Hải Dương áp dụng quy trình lắp ráp toàn cầu của Tập đoàn Ford Motor.

Ford Việt Nam cho biết, đây là kết quả mong đợi nhân việc hoàn thành giai đoạn 1 của dự án đầu tư nâng cấp mở rộng nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Ford Hải Dương trị giá 2.000 tỷ đồng, được khởi động từ đầu năm 2020 của Ford Việt Nam.

Ngày 14/1/2020, tại thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương, Ford Việt Nam đã công bố đầu tư bổ sung 82 triệu USD, tương đương gần 2.000 tỷ đồng để nâng cấp nhà máy lắp ráp với công suất tăng từ 14.000 xe lên 40.000 xe/năm.

Tại sự kiện này, ông Andreá Cavallaro, Phó Chủ tịch Phụ trách sản xuất, khối thị trường quốc tế (IMG) của Tập đoàn Ford Motor cho biết, quyết định đầu tư mở rộng sản xuất nhà máy Ford tại Hải Dương dựa trên nhu cầu ổn định và ngày càng tăng cao của người tiêu dùng đối với dòng xe Ford. Đồng thời cũng là sự khẳng định cam kết đầu tư, phát triển lâu dài tại thị trường Việt Nam của Ford. Số vốn bổ sung sẽ tăng tổng mức đầu tư của Ford tại Việt Nam lên 200 triệu USD.

Ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam chia sẻ, kế hoạch nâng cấp và mở rộng nhà máy tại Hải Dương được chia thành 2 giai đoạn, triển khai từ năm 2020 và dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm 2022. Nhà máy được mở rộng thêm 60.000 m2, nâng tổng diện tích xây dựng lên 226.000 m2, bao gồm: xây mới xưởng thân xe, xưởng sơn, điều chỉnh lắp ráp hoàn thiện và sắp xếp lại khu vực hậu cần, vật tư.

Cùng với đó, Ford Việt Nam sẽ trang bị thêm máy móc mới, các robot với công nghệ kết nối hiện đại nhất nhằm tăng tính hiệu quả của sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm lắp ráp tại nhà máy Ford Hải Dương.

Phần mở rộng này được áp dụng quy trình sản xuất và xử lý bảo vệ môi trường theo đúng tiêu chuẩn toàn cầu. Việc mở rộng sẽ tăng số lượng các dòng xe lắp ráp trong nước của Ford, trong đó có Ford Ranger sẽ tạo thêm việc làm tại nhà máy cũng như mạng lưới các nhà cung cấp và đại lý ủy quyền trên toàn quốc.

Còn theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), dù đang chuẩn bị ra mắt sản phẩm mới lắp ráp tại Việt Nam, nhưng trong tháng 6 vừa qua Ford Ranger có doanh số bán 754 xe, nâng tổng doanh số cộng dồn trong 6 tháng đầu năm 2021 lên con số 6.912. Đây cũng là mẫu xe liên tiếp nằm trong Top 10 mẫu xe bán bán chạy nhất thị trường ô tô Việt Nam hàng tháng.

* Thương mại Ấn Độ-Trung Quốc tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021

Kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong nửa đầu năm 2021 đã tăng ở mức kỷ lục 62,7% - mức tăng cao nhất trong số các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc - với tổng thương mại hai chiều vượt mức trước đại dịch COVID-19.

Số liệu do Tổng cục hải quan Trung Quốc công bố ngày 13/7 cho thấy kim ngạch thương mại Trung Quốc-Ấn Độ trong 6 tháng đầu năm nay đạt 57,48 tỷ USD, cao nhất so với bất cứ giai đoạn nửa đầu năm nào. Xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc đạt 14,72 tỷ USD, tăng 69,6%, trong khi nhập khẩu 42,76 tỷ USD, tăng 60,4%, chủ yếu do việc mua sắm thiết bị y tế. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc trong nửa đầu năm là 28,04 tỷ USD.

Trong nửa đầu năm 2019, thương mại Ấn Độ-Trung Quốc đạt 44,72 tỷ USD, trong đó Ấn Độ nhập khẩu 35,8 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ sang Trung Quốc hằng năm là quặng sắt, bông và các loại hàng hóa dựa trên nguyên liệu thô khác.