Những năm qua, du lịch trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, sinh thái nông nghiệp, nông thôn đã phát triển tại nhiều địa phương, hình thành hệ thống điểm đến trải dài từ Bắc tới Nam…Theo thống kê, đến nay, trên cả nước có 365 điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn, ước tính mỗi tỉnh có khoảng từ 500-1.000 lao động tham gia. Nhiều sản phẩm, loại hình du lịch nông nghiệp đã được khai thác một cách bài bản, có định hướng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước...Từ hoạt động phát triển du lịch đã tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế, môi trường của cư dân nông thôn, góp phần đưa xây dựng NTM đi vào chiều sâu và chất lượng.
Các đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu tỉnh ta.
Định hướng phát triển trong giai đoạn 2021-2025, du lịch nông thôn tập trung thực hiện nhóm nhiệm vụ, gồm: Tập trung quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đồ án quy hoạch xây NTM; nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng chỉ tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại nông thôn; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho du lịch nông thôn; tăng cường công tác quản lý điểm đến nông thôn...
Tại hội thảo, đại diện các bộ, ngành trung ương và địa phương đã trình bày và trao đổi một số vấn đề liên quan đến: Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn trong giai đoạn mới; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, quảng bá, kết nối về du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM; mục tiêu, chỉ tiêu phát triển du lịch nông thôn gắn NTM đến năm 2025; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch nông thôn.
Lê Thi