Đảm bảo nguồn cung hàng hóa, giá cả ổn định trong tình hình dịch COVID-19

Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, tại tỉnh ta số ca nhiễm trong cộng đồng đang có xu hướng tăng. Để đảm bảo nguồn cung, giá cả ổn định đối với các mặt hàng thiết yếu, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng các phương án phục vụ cho nhu cầu của người dân.

Không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa

Nhằm đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời các loại hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trước diễn biến mới của dịch COVID-19, Sở Công Thương đã xây dựng kịch bản dự trữ, cung ứng hàng hóa theo từng cấp độ của dịch bệnh: Cấp độ 1, có trường hợp bệnh xâm nhập; cấp độ 2, dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trong tỉnh; cấp độ 3, khi dịch bệnh lây lan trên 5 trường hợp mắc đến 50 trường hợp mắc trong tỉnh; cấp độ 4, khi dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng với trên 50 trường hợp mắc đến 200 trường hợp mắc; cấp độ 5, khi dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng với trên 200 trường hợp. Bên cạnh đó, Sở chủ động công tác dự báo tình hình thị trường, tổ chức sản xuất, dự trữ, cung ứng hàng hóa, đảm bảo các doanh nghiệp triển khai đầy đủ, nghiêm túc các giải pháp bình ổn thị trường và được theo dõi, kiểm tra thực tế.

Ghi nhận của phóng viên, hiện nay các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch, chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu, sẵn sàng phục vụ người dân phù hợp với từng kịch bản chống dịch khác nhau. Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Các mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm như: Gạo, mỳ gói, dầu ăn, nước uống... tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh, Vinmart, cửa hàng bán lẻ tại chợ và đại lý trên địa bàn tỉnh rất dồi dào, giá các mặt hàng thiết yếu không tăng, đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh. Do đó, người dân có thể hoàn toàn yên tâm không lo khan hiếm, sốt giá và không cần mua tích trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm trong mùa dịch gây bất ổn thị trường.

Người tiêu dùng mua sắm hàng thiết yếu tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà.

Anh Lê Hữu Hùng, người tiêu dùng tại phường Thanh Sơn (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm), cho biết: Mấy ngày qua thông tin dịch lây nhiễm tại một số nơi trong tỉnh, nhưng tôi chỉ mua đồ ăn đủ dùng trong 1-2 ngày, hết tôi có thể đi mua tiếp hoặc gọi điện siêu thị giao hàng tận nhà vì hàng hóa bây giờ khá phong phú không sợ khan hiếm, giá cả cũng ổn định, không cần phải tích trữ. Còn chị Nguyễn Thanh Vân, phường Phủ Hà chia sẻ: Rút kinh nghiệm đợt dịch bùng phát năm ngoái tôi lo lắng mua quá nhiều đồ tích trữ không sử dụng hết rất lãnh phí, lần này tôi an tâm hơn không mua đồ tích trữ nữa bởi nguồn hàng hóa tại siêu thị, các chợ và cửa hàng dồi dào, đa dạng, giá cả ổn định.

Dạo một vòng tại các Siêu thị Co.opmart Thanh Hà, Vinmart các kệ trưng bày đầy ắp hàng hóa, đa dạng về chủng loại, thương hiệu của các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, đường, nước mắm, dầu ăn, muối, mì gói, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn... Bà Nguyễn Thị Ánh Đào, Phó Giám đốc phụ trách Siêu thị Co.opmart Thanh Hà, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở Công Thương, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu nhằm đảm bảo cung ứng đối với từng cấp độ dịch (từ cấp độ 1 đến cấp độ 5). Ngoài ra, nhằm đảm bảo không tập trung đông người, siêu thị triển khai dịch vụ đặt hàng online - nhận hàng tại nhà. Hiện nay tình hình mua sắm tại siêu thị vẫn ổn định, nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… đang được cung cấp bày bán trong hệ thống với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng.

Cùng với việc đảm bảo lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để cung cấp cho thị trường trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, Sở Công Thương còn phối hợp với Cục Quản lý thị trường, các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến đối với các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch và mặt hàng thiết yếu.

Hiện tại, công tác chuẩn bị nguồn hàng dự trữ tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh với lượng hàng hóa tăng từ 200-300% so với bình thường, các loại hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời điểm dịch.

Mặt hàng rau, củ, quả vẫn đảm bảo

Dịch COVID-19 đã và đang tác động tới hoạt động mua bán tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, chỉ hai ngày qua nhu cầu mua sắm của người dân tăng vọt khiến giá nhiều loại nông sản có xu hướng tăng.

Khảo sát của chúng tôi tại chợ Phan Rang, chợ Thanh Sơn, chợ Phước Mỹ, chợ Tháp Chàm, một số mặt hàng rau, củ, quả tăng khoảng 10-20% so với thời điểm cách đây 1 tuần. Theo bà Nguyễn Thị Hằng, tiểu thương sạp rau, củ, quả ở chợ Thanh Sơn: Những ngày gần đây lượng khách hàng mua các loại rau, củ, quả tăng đột biến khiến nguồn cung ứng tại một số chợ đầu mối tăng giá từ 10-20% so với trước đợt bùng phát dịch. Hiện bắp sú có giá 15.000 đồng/kg, cà chua 30.000 đồng/kg, bí đao 30.000 đồng/kg, cải thảo 20.000 đồng/kg, măng tây xanh 50.000/kg...

Do tình tình hình dịch bệnh, nhiều người dân mua thực phẩm để dự trữ. Tuy nhiên, theo Sở Công Thương, các chợ, cửa hàng vẫn kinh doanh bình thường, tăng lượng hàng cung ứng phục vụ bà con trong thời gian bùng phát dịch nên người dân yên tâm mua sắm. Đối với các mặt hàng thực phẩm như: Thịt heo, thịt bò, thịt gia cầm, giá tại các chợ đều ổn định. Cụ thể, thịt heo ba chỉ có giá 130.000 đồng/kg, thịt mông 130-140.000 đồng/kg, sườn non 150-160.000 đồng/kg, gà thịt làm sẵn 100.000 đồng/kg, mặt hàng thủy hải sản giá bán có biến động nhẹ so với trước như: Cá thu 170.000 đồng/kg, cá thóc 80.000 đồng/kg, cá nục 50.000 đồng/kg, cá bè cam 80.000 đồng/kg.

Dù mới khoảng hơn 9h sáng, tại chợ Thanh Sơn và chợ Phước Mỹ các quầy thịt và rau, củ đã gần như hết hàng. Tuy nhiên, các tiểu thương khẳng định việc hết hàng sớm chỉ là tạm thời, nguồn cung vẫn đang dồi dào và có thể lấp đầy nếu các sạp tiếp tục nhập hàng chuyến tiếp về bán. Bà Lê Thị Hoa, tiểu thương sạp thịt heo tại chợ Phước Mỹ cho biết: Chúng tôi vẫn bán với số lượng như mọi ngày, giá cả ổn định, chưa tăng, do lượng người mua tăng với số lượng nhiều nên hết hàng khó tránh khỏi. Nhưng tình trạng thiếu hàng thì không có, chỉ là cục bộ vào thời điểm nhất định, chứ hàng hóa vẫn bán đều hằng ngày, không lo về nguồn cung.

Chị Võ Thị Tuyết Minh, ở phường Phủ Hà (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) chia sẻ: Mấy ngày nay do dịch bệnh bùng phát khiến tôi cũng lo lắng, nhưng hầu hết các mặt hàng đều tăng giá nhẹ từ 5-10%, tôi chỉ mua đủ ăn trong ngày. Việc mua hàng dự trữ theo tôi là không cần thiết vì bây giờ hàng hóa dồi dào, ngoài chợ ra còn có thể mua ở các cửa hàng bách hóa xanh, Vinmart đều có rau, thịt, cá đầy đủ và bán thường xuyên. Điều quan trọng bây giờ là mọi người cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để tránh lây lan trong cộng đồng.

Theo ban quản lý các chợ thì mức tăng, giảm giá các loại rau, củ, quả phải tính từng ngày do phụ thuộc vào nguồn hàng và mức mua sắm của người dân. Hiện tại có thể do sức mua của nhiều người cùng trong một thời điểm tăng nên giá tăng, nếu bà con không có tâm lý mua dự trữ thì sẽ đưa giá rau, củ, quả về mức bình thường.