Mô tả cây
Bạc hà là một loại cỏ sống lâu năm, cao từ 10 đến 60-70cm, có thể cao tới 1m, thân vuông mọc đứng hay hơi bò, có khi phân nhánh, trên thân có nhiều lông. Lá mọc đối, cuống dài từ 2 đến 10mm, phiến lá hình trứng hay thon dài, rộng 2-3cm, dài 3-7cm, mép có răng cưa, mặt trên và mặt dưới đều có lông che chở và lông bài tiết. Hoa mọc vòng ở kẽ lá, cánh hoa hình môi màu tím hay hồng nhạt có khi màu trắng. Ít khi thấy có quả và hạt.
Công dụng và liều dùng
Bạc hà là một vị thuốc thơm, dùng làm cho thuốc dễ uống, làm ra mồ hôi, hạ sốt dùng chữa cảm sốt, cảm mạo, mũi ngạt, đầu nhức, giúp cho sự tiêu hoá, chữa kém ăn, ăn uống không tiêu, đau bụng đi ngoài.
Tinh dầu bạc hà và mentola dùng làm thuốc sát trùng, xoa bóp nơi sưng đau như khớp xương, thái dương khi đầu nhức. Bạc hà là một vị thuốc chữa loét dạ dày, làm giảm bài tiết dịch vị và giảm đau.
Bạc hà có vị cay, mát không độc, vào 2 kinh phế và can, có tác dụng tán phong nhiệt, ra mồ hôi, giảm uất, làm thuốc thanh lương dùng chữa cảm nắng, đau bụng, đầy bụng, chứng ăn không tiêu.
Liều dùng lá và toàn cây. Ngày uống từ 4 đến 8g dưới dạng thuốc pha.
Tinh dầu và mentola : một liều 0,02 đến 0,2ml, một ngày 0,06 đến 0,6ml.
Còn dùng dưới hình thức cồn bạc hà (lá bạc hà 50g, tinh dầu bạc hà 50g, cồn vừa đủ 1 lít), ngày dùng nhiều lần, mỗi lần từ 5 đến 10 hay 15 giọt, cho vào nước nóng mà uống.
Đơn thuốc có bạc hà
Thuốc chữa nôn thông mật giúp sự tiêu hoá: Lá bạc hà hay toàn cây bạc hà bỏ rễ 5g, pha vào 200ml nước sôi, cách 3 giờ uống 1 lần.
Chè chữa cảm mạo, nhức đầu: Lá bạc hà 6g, kinh giới 6g, phòng phong 5g, bạch chỉ 4g, hành hoa 6g. Nước sôi đổ vào chờ 20 phút, uống lúc đang nóng.
Đức Doãn (Theo Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam).