Còn gọi là tượng đảm, nha đam, du thông, nô hội, long tu (Bình Định).
Mô tả cây
Lô hội là một cây có thân hoá gỗ, ngắn, to thô. Lá không cuống, mọc thành vành rất sít nhau, dày mẫm, hình 3 cạnh, mép dầy, mép có răng cưa thô cứng và thưa dài 30-50cm, rộng 5-10cm, dày 1-2cm ở phía cuống. Cụm hoa dài chừng 1m, mọc thành chùm dài mang hoa màu vàng xanh lục nhạt lúc đầu mọc đứng, sau rũ xuống, dài 3-4cm. Quả nang, hình trứng thuôn, lúc đầu xanh sau nâu và dai.
Công dụng và liều dùng
Lô hội là một vị thuốc được dùng cả trong đông y và tây y.
Lô hội vị đắng tính hàn, vào 4 kinh can, tỳ, vị và đại tràng. Có tác dụng sát trùng, thông tiện, thanh nhiệt, lương can. Dùng chữa trẻ con cam tích, kinh giản, táo bón.
Còn dùng làm thuốc tẩy hay nhuận tràng. Nên dùng sau bữa ăn tác dụng sẽ dịu và mau hơn.
Không dùng được cho phụ nữ có thai, lòi dom, trẻ con.
Liều dùng hằng ngày: Giúp sự tiêu hoá: 0,05-0,1g. Tẩy: 0,15-2g. Dưới dạng thuốc viên hay nhũ dịch.
Đơn thuốc có lô hội
Viên nhuận tràng: Bột lô hội 0,08g, cao mật bò tinh chế 0,05g, phenoltalêin 0,05g, bột cam thảo 0,05g, tá dược vừa đủ một viên. Dùng chữa táo bón, khó tiêu vì thiếu nước mật, vàng da, yếu gan, yếu ruột. Ngày uống 1-2 viên vào bữa cơm chiều. Có thể dùng liều cao hơn. Trẻ em dưới 15 tuổi không dùng được.
Đức Doãn (Theo Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam)