Lịch trình cung ứng 60 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin để tiêm cho người dân. Thời gian qua Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với các tổ chức, đơn vị sản xuất để đàm phán sớm có vắc xin cho người dân. Cụ thể, Bộ Y tế đã đàm phán với chương trình COVAX facility (*) cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm 2021. Cùng với đó, công ty AstraZeneca cũng cam kết cung cấp 30 triệu liều. Như vậy, tổng số Việt Nam có 60 triệu liều vắc xin trong năm 2021. Mới đây Bộ Y tế đã thông báo lịch trình cung ứng 60 triệu liều vắc xin này.
Theo đó, đối với 30 triệu liều vắc xin từ hỗ trợ của COVAX Facility, theo thông báo của UNICEF, ngày 25-3, lô vắc xin đầu tiên từ nguồn COVAX Facility với 1,37 triệu liều vắc xin của AstraZeneca trong cam kết hỗ trợ 30 triệu liều sẽ về đến Việt Nam. Lô tiếp theo với 2,8 triệu liều sẽ tiếp tục về Việt Nam vào ngày 25-4. Như vậy, đến hết tháng 4-2021, Việt Nam sẽ tiếp nhận 4,17 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 từ COVAX Facility. Khoảng 25,9 triệu liều còn lại dự kiến sẽ được chuyển về Việt Nam trong thời gian từ tháng 8 đến 11-2021.
Đối với 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca thông qua Công ty VNVC cung ứng, VNVC chuyển giao vắc xin cho Bộ Y tế theo cơ chế phi lợi nhuận. Cuối tháng 2-2021, 117.600 liều vắc xin AstraZeneca đã về đến Việt Nam và được triển khai tiêm chủng từ ngày 8-3. Dự kiến, các đợt vắc xin tiếp theo với tổng số 29,87 triệu liều sẽ về đến Việt Nam vào tháng 4-2021 (1,48 triệu liều); tháng 5-2021 (2,76 triệu liều), tháng 6-2021 (5,04 triệu liều), tháng 7-2021 (7,32 triệu liều) và tháng 8 (13,27 triệu liều).
Bộ Y tế đã và đang tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, Gamaleya (Sputnik V) để có thể tiếp cận với tất cả các nguồn cung ứng vắc xin nhằm triển khai nhanh nhất việc mở rộng phạm vi sử dụng vắc xin phòng COVID-19; đảm bảo bao phủ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân Việt Nam, sớm chủ động đẩy lùi đại dịch.
Bộ Y tế khuyến khích tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với các đối tác cung cấp vắc xin phòng COVID-19 khác trên thế giới để nhập khẩu về sử dụng trong nước theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19
Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 ở trong nước
Bên cạnh tìm nguồn vắc xin từ bên ngoài, các doanh nghiệp cũng đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vắc xin phòng COVID-19 ở trong nước. Trong đó Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen đã hoàn thành tốt giai đoạn 1, đang thử nghiệm giai đoạn 2.
Theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vắc xin, so với tiến độ ban đầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị, triển khai, rút ngắn một nửa thời gian nghiên cứu vắc xin Nano Covax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình, cũng như dữ liệu về khoa học. Với tiến độ triển khai như hiện nay, ông Nguyễn Ngô Quang hy vọng, Việt Nam sẽ mất khoảng 4-5 tháng để kết thúc giai đoạn 3.
Ngoài vắc xin Nano Covax của NANOGEN, vắc xin COVIVAC của Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) - vắc xin phòng COVID-19 thứ 2 của Việt Nam cũng đã được khởi động thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên người, sớm hơn gần 2 tháng so với kế hoạch ban đầu. Từ ngày 5-3, đơn vị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin COVIVAC là Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (NIHE) và Trường đại học Y Hà Nội đã bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ tiến hành tiêm cho 150 người tình nguyện.
Công tác an toàn tiêm chủng luôn đặt lên hàng đầu
Theo Bộ Y tế, tính đến 6 giờ ngày 11-3-2021, Việt Nam có tổng cộng 1.588 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1-2021 đến nay là 895 ca. Tính từ 18 giờ ngày 10-3 đến 6 giờ ngày 11-3, Việt Nam không có ca mắc mới. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 44.540.
Tính đến cuối giờ chiều ngày 10-3-2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 955 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng.
Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh) đã tiêm 127 người; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm 474 người. Hai điểm tiêm của tỉnh Hải Dương là Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành đã tiêm 218 người. Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) đã tiêm 36 người. Bệnh viện dã chiến tỉnh Gia Lai đã tiêm 100 người.
Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng, chưa có trường hợp nào tiêm chủng ngày 10-3-2021 báo cáo phản ứng sau tiêm vắc xin. Các trường hợp được báo cáo bổ sung của hai ngày tiêm trước đều là các phản ứng thông thường sau tiêm chủng như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy… Trong ba ngày triển khai đầu tiên, công tác an toàn tiêm chủng luôn được Chương trình tiêm chủng mở rộng đặt lên hàng đầu và được các địa phương thực hiện nghiêm túc.
(*) COVAX facility: cơ chế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), các nhà sản xuất vắc xin và các đối tác lập ra, đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vắc xin một cách công bằng và hiệu quả.
Theo TTXVN