Mùa xuân suy ngẫm về văn hóa nói

Lời nói là một trong những công cụ đầu tiên, quan trọng nhất và phổ biến nhất trong đời sống xã hội, là thông điệp của tình thương và trí tuệ. Lời nói là báu vật trời cho con người, chia đều cho mỗi dân tộc nên cũng là của quý đặc trưng của mỗi dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp” và Người lại dạy: “Nói cũng phải học, mà phải chịu khó học mới được”. Càng suy ngẫm, chúng ta càng thấm thía và tâm đắc.

Mỗi dân tộc có tiếng nói của mình, mỗi con người cũng vậy. Có lời nói của một người trở thành của mọi người, thành ca dao phổ biến trong dân gian như “Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” của nhà thơ Bảo Định Giang, bởi đó là tâm tư tình cảm chung của cả dân tộc Việt Nam. Có những lời nói mà muôn đời vẫn giữ nguyên giá trị như của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: "Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước muôn đời vậy”. Hay lời kêu gọi đã trở thành lẽ sống, chân lý của cả dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” hoặc giản dị, đơn sơ mà ấm bao lòng khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Bác dừng lại và hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”. Có những lời nói mãi mãi rực rỡ chủ nghĩa yêu nước và khí phách anh hùng của Trần Bình Trọng: Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Là lời nói của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, của Nguyễn Viết Xuân…đã đi vào lịch sử như một huyền thoại về tinh thần dũng cảm, kiên quyết chiến đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

“Có những phút làm nên lịch sử

Có cái chết hóa thành bất tử

Có những lời hơn mọi bài ca

Có con người như chân lý sinh ra...”

(Tố Hữu)

Nhưng, có những lời nói đáng khinh, đáng ghét, là những câu nói dối trắng trợn, hứa hão, nuốt lời, lời nói lấp liếm, bịt miệng, hay những câu nói xấu về người khác…Đa phần kẻ nói xấu sau lưng người khác luôn thua kém bạn về nhan sắc, trí tuệ và tầm ảnh hưởng trong xã hội. Có lời nói đúng được dư luận đồng tình, ủng hộ, nhưng có những lời nói sai và vô lý nhưng cứ một đồn mười, mười đồn trăm làm nhiều người lầm tưởng hoặc ít nhất cũng nữa tin nữa ngờ. Cho nên có dư luận đúng, có dư luận sai. Quan trọng dư luận cần được nghiên cứu, xác minh.

Người Việt Nam ta gắn “ăn” với “nói”, “lời ăn tiếng nói”, “ăn nói dịu dàng”, “ăn nói mặn mà”, “lời chào cao hơn mâm cổ”, “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Vậy, trong giao tiếp nên cẩn trọng lời nói, chớ lầm tưởng nói được đã là biết nói.

Nếu “ánh mắt là cửa sổ của tâm hồn”, thì “lời nói là cửa ngõ của nhân cách con người”, có thể khẳng định rằng, lời nói đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Bởi lẽ, nó không những là một phương tiện giao tiếp, biểu lộ tâm tư, tình cảm của mình đối với mọi người xung quanh, mà còn thể hiện nhân cách, đạo đức của một con người trong xã hội. Dưới góc nhìn xã hội, lời nói tuy vô hình nhưng lại có tác động to lớn đối với cuộc sống thường nhật. Bằng lời nói, chúng ta có thể giúp người khác cảm nhận được sự hạnh phúc, nhưng cũng có thể khiến họ sống trong sự căm ghét và hận thù. Cuộc sống có lẽ luôn chứa đựng biết bao bộn bề, lo toan, vất vả... vì vậy, một lời động viên đúng lúc có thể khiến họ vơi bớt nỗi buồn đau, từ đó tạo thêm niềm tin và hy vọng để vươn lên, vượt khó khăn để có đủ nghị lực đương đầu với những giông bão, hướng đến những giá trị đích thực của đời người.